Loan Kim Homestay
  • Home
  • Room
  • Visit Hue
  • About Us
  • Contact Us
  • English
    • Vietnamese

About blog

about
Lorem Ipsum is simply dummy text of the printing and typesetting industry. Lorem Ipsum has been the industry’s standard dummy text ever since the 1500s,

Categories

  • Blog (31)
  • Uncategorized (1)

Popular Tag

Huế hội vật làng sình điện hòn chén

Archives

  • June 2021 (6)
  • May 2021 (12)
  • April 2021 (11)
  • March 2021 (3)

Monthly Archives: June 2021

Đến với Loan Kim Homestay để thử ngay món Xôi tôm chấy siêu ngon

Post By: Loan Kim June 29, 2021 0 Comment(s)

Xôi đã là một món ăn quá quen thuộc trong ẩm thực Huế và được nhiều người yêu thích. Trong đó, Xôi tôm chấy là một món có hương vị rất “độc đáo” mà khi đã ăn một lần, bạn không thể không ăn thêm lần nữa. Đặc biệt, khi đến với Loan Kim Homestay, bạn càng có cơ hội thưởng thức món xôi tôm chấy một cách “trọn vị”.

Đặt chân đến với mảnh đất Cố đô Huế, bạn sẽ bắt gặp món Xôi tôm chấy được bán trên những xe hàng rong. Có thể bạn đã từng ăn món Xôi tôm chấy ở nhiều nơi và do nhiều bà nội trợ tài giỏi làm, nhưng có lẽ bạn sẽ phải nhớ mãi hương vị do các O xứ Huế tạo nên và nhất là khi bạn được thưởng thức nó tại Loan Kim Homestay.

Để làm nên món xôi tôm chấy tuy không mất nhiều thời gian lắm nhưng lại ngon, đầy đủ năng lượng, dinh dưỡng cần thiết cho một ngày dài. Món ăn được làm với tất cả cái tâm cái tình của các O xứ Huế.

Trong một phần Xôi tôm chấy, không thể thiếu một thành phần rất quan trọng là “tôm chấy”. Phần tôm chấy đặc biệt siêu ngon khi được làm từ những con tôm thật tươi. Tôm khi mua về sẽ trải qua công đoạn sơ chế, cắt bỏ đầu, chân, râu và lột bỏ vỏ. Rửa sạch và đem luộc tôm trong nước dừa và muối, cho đến khi nước cạn còn khoảng một nửa thì lấy tôm ra ngoài và để nguội. Tiếp tục, cho tí dầu vào chảo, phi thơn với hành, cho tôm vào chảo rim đến lúc tôm chín săn lại. Sau đó xay hoặc giã tôm sao cho nhuyễn. Cuối cùng cho tôm đã xay nhỏ vào chảo (chảo khô, không dầu) sấy trên bếp lửa nhỏ cho tôm khô.

Tôm chấy kết hợp với xôi trắng thì tuyệt vời gì bằng cả về hình thức và hương vị. Một phần xôi được trải lên lớp lá dong (hoặc lá chuối), rải hành phi đều lên mặt, rải tôm chấy phủ lên trên và cuối cùng cho lên đó vài miếng chả heo (hoặc bò) giòn dai – tất cả khiến người ta khó mà “kiềm lòng”. Chao ôi! Khi tất cả các hương vị này hòa trộn với nhau thì vị và hương đều quyến rũ không thể tả, không có gì thơm hơn thế, không có món nào kích thích cả thị giác và vị giác hơn thế.

Với hương vị quá tuyệt vời, quả thật, không có lý do mà bạn đến với mảnh đất này, mà không một lần thử qua món Xôi tôm chấy “mê hoặc”. Xứ Huế còn có vô vàn những món ăn hấp dẫn đang đợi bạn đến trải nghiệm đấy!

Read More

Ca Huế - nét đặc sắc rất riêng của vùng đất Cố đô

Post By: Loan Kim June 25, 2021 0 Comment(s)

Cố đô Huế vốn là vùng dân ca nổi tiếng với những điệu hò mái nhì, mái đẩy, khoan thai, dàn trải, ngọt ngào như tâm hồn người xứ Huế. Ca Huế nằm giữa hai dòng nhạc đó có những đặc trưng riêng với chất trữ tình sâu lắng làm xao động lòng người, chất chứa đủ bao niềm hỷ, nộ, ái, ố như cuộc đời người dân xứ Cố Đô.

Từng là kinh đô của cả nước trong hơn 100 năm, Huế là nơi có điều kiện kế thừa, và tích tụ tinh hoa văn hóa nghệ thuật, âm nhạc của cả dân tộc, cũng là nơi đã đưa nền văn hóa nghệ thuật cũng như âm nhạc dân tộc lên một đỉnh cao mới. Chính vì vậy, Huế hội tụ đủ cả hai dòng âm nhạc cung đình (bác học) và âm nhạc dân gian, điều kiện thuận lợi đó đã góp phần thúc đẩy sự hình thành và phát triển loại hình văn hóa nghệ thuật đặc trưng của vùng đất nơi đây: Ca Huế.

Ca Huế bắt đầu từ hát cửa quyền trong cung vua, phủ chúa (khác với lối hát Ả Đào, phát sinh từ dân gian, từ hát cửa đình, rồi vào chốn cung đình), từ “cung trung chi nhạc – một loại nhạc thính phòng trong cung thất của vua và mẹ vua Nguyễn” (Trần Văn Khê – Lối ca Huế và lối nhạc tài tử). Đó là thời kỳ có những bước chuyển mình từ lối hát cung đình, dần dần được dân gian hóa trở lại để thành ca nhạc Huế… và tác động trở lại đối với âm nhạc cung đình.

Ca Huế được phát sinh vào khoảng thế kỷ thứ XVII, trở thành thú chơi tao nhã của các hoàng thân quốc thích, gia đình danh gia vọng tộc trong suốt thời gian dài khi Huế là thủ phủ xứ Đàng Trong, sau đó là kinh đô của cả nước dưới triều Nguyễn, đạt đến đỉnh cao từ thời Minh Mạng (1820-1840) đến thời Tự Đức (1848-1883).

Ca Huế phát sinh từ trong cung đình, sau đó mới lan tỏa ra dân gian, hòa quyện với dòng âm nhạc dân gian Huế đang khởi sắc, tạo nên bản sắc mang tính địa phương rõ nét.

Ca Huế có một hệ thống bài bản vô cùng đa dạng và phong phú bao gồm khoảng 60 tác phẩm thanh nhạc, khí nhạc theo hai điệu thức lớn là điệu Bắc và điệu Nam. Điệu Bắc là những lời ca mang âm điệu vui tươi, trang trọng; còn điệu Nam lại là mang những âm điệu chứa cảm xúc buồn, ai oán, nỉ non.

Cùng với ca trù miền Bắc, đờn ca tài tử Nam Bộ, ca Huế là một trong ba thể loại nhạc thính phòng đạt trình độ phát triển bậc nhất trong kho tàng âm nhạc truyền thống Việt Nam, đứng thứ hai về bề dày lịch sử, và là thể loại duy nhất ra đời trong chốn cung đình.

Khi nhắc đến dân ca Huế, người ta sẽ nhắc đến những điệu hò mái nhì, mái đẩy, khoan thai, dàn trải, ngọt ngào như tâm hồn người xứ Huế hay những điệu lý bay bổng, mượt mà như lý con sáo, lý hoài xuân, lý tình tang.

Bên cạnh dòng âm nhạc dân gian, Huế còn nổi tiếng với dòng ca nhạc cung đình đầy tính trang trọng của Huế như giao nhạc, miếu nhạc, ngũ tự nhạc, đại triều nhạc, thường triều nhạc, yến nhạc.

Ca Huế có giá trị cao về nghệ thuật ,về giáo dục như tư tưởng thẩm mỹ, tình cảm cũng như nhân cách của con người. Là một loại âm nhạc mang tính bác học, Ca Huế từng đóng vai trò quốc nhạc và được sử dụng rộng rãi ở các tỉnh phía Bắc cũng như phía Nam.

Trước đây, nghe ca Huế ở sông Hương là thú vui tao nhã của hoàng thân và quan chức trong cung đình Huế. Ngày nay, loại hình nghệ thuật này đã được “bình dân hóa” để mọi du khách đến đây đều được thưởng thức ca Huế trên sông Hương và yêu Huế hơn. Những điệu hò mênh mang, những câu hát Nam ai, Nam bình sâu lắng cùng giọng điệu Huế ngọt ngào và dễ thương làm say đắm lòng người, cho du khách cảm giác xao xuyến, buồn, vui đến lạ kỳ!

Được một lần tựa mạn thuyền rồng để nghe những làn điệu ca Huế ngọt ngào sâu thẳm cất lên trên bồng bềnh sông nước Hương giang, lữ khách dường như thẩm thấu trọn vẹn cái hồn, cái tình của Huế ẩn sâu trong thú chơi nghệ thuật tinh tế đặc sắc này. Chẳng thế mà gần 70 năm trước chàng thi sĩ trẻ tài hoa Văn Cao, đã như lạc vào chốn “Thiên Thai” chỉ vì một lần tựa mạn thuyền rồng trên sông Hương: “… Em cạn lời cho anh dứt nhạc; Biệt ly đôi phách ngó đàn tranh; Một đêm đàn lạnh trên sông Huế; Ôi nhớ nhung hoài vạt áo xanh…”.

Khi thành phố bắt đầu lên đèn, cầu Trường Tiền lấp lánh trong đêm với đủ các màu sắc thì những chiếc thuyền rồng lần lượt rời bến, chầm chậm ngược dòng sông Hương, đêm ca Huế bắt đầu. Thuyền rồng hững hờ trôi trong màn sương, khán giả trên thuyền, kẻ háo hức ngắm thành phố Huế thơ mộng từ sông Hương, người thì chăm chú xem các nghệ sĩ chuẩn bị biểu diễn.

Mở đầu cho một đêm ca Huế trên sông Hương hàng đêm là 4 nhạc khúc Lưu Thủy, Kim Tiền, Xuân Phong, Long Hổ. Rồi tiếp đến là những điệu hò Huế đối đáp và tân nhạc Huế đặc sắc. Những âm điệu trầm bổng, du dương của giọng hát hòa quyện với tiếng réo rắt của dàn nhạc đủ cả đàn bầu, đàn tranh, đàn nguyệt, sáo, xênh, phách… sẽ ru tâm hồn du khách vào một miền ký ức sâu thẳm nhuộm tím lòng người, không sao quên được.

Ca Huế với âm sắc ngọt ngào của giọng nói xứ Huế, hòa trong không gian tĩnh mịch của đêm tối, dưới sắc nước lung linh ánh đèn sẽ làm cho bất cứ ai cũng có được một cảm giác lắng đọng tuyệt vời. Một lần được trải nghiệm là một lần nhớ mãi, là hơn một lần muốn quay trở lại… Chính vì thế, ca Huế được người dân Cố đô trân trọng giữ gìn và phát triển qua hàng trăm năm nay trước bao nhiêu biến cố thăng trầm của lịch sử như một tài sản văn hóa vô giá của mảnh đất “thần kinh” này./.

Read More

Nhã nhạc cung đình Huế - di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại

Post By: Loan Kim June 19, 2021 0 Comment(s) Huế

Cố Đô Huế không chỉ nổi tiếng với những danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử độc đáo mà còn là nơi hội tụ những tinh hoa nghệ thuật của nước ta, trong đó có thể kể đến nghệ thuật biểu diễn Nhã nhạc Cung Đình Huế. Đây không chỉ là nét đẹp văn hóa hội tụ tinh hoa của âm nhạc Việt Nam mà còn xứng danh là một trong những “di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại”.

Nhã nhạc cung đình là hình thức nhạc chính thống dùng thường dùng ở các cuộc lễ tế Giao, tế Miếu và trong các dịp triều hội. Đây là một thuật ngữ được dùng để chỉ sản phẩm kết hợp giữa Lễ và Nhạc. Thông thường thì Nhã nhạc cung đình sẽ được hiểu theo nghĩa là tất cả các thể loại ca nhạc, múa và kịch hát, được dùng trong các lễ nghi cúng tế và triều chính cũng như các ngày quốc lễ do triều đình tổ chức và hơn thế nữa là sinh hoạt vui chơi giải trí của vua và hoàng tộc.

Từ xưa, Nhã nhạc đã có tiến trình hình thành và phát triển khá rõ ràng. Lịch sử hình thành cũng như từng giai đoạn phát triển của loại hình nghệ thuật này đã được ghi lại theo từng giai đoạn. Nhã nhạc ra đời vào triều Lý (1010-1225) và hoạt động một cách quy củ vào thời Lê (1427-1788), là loại hình nhạc mang tính chính thống, với quy mô tổ chức chặt chẽ. Các tổ chức âm nhạc được thành lập, đặt dưới sự cai quản của các nhạc quan. 

Đến thời triều Nguyễn (1802-1945), Nhã nhạc đã đạt đến đỉnh cao. Nhã nhạc vương triều Nguyễn đã kế thừa những nét hay, đẹp, đặc sắc từ những triều đại trước, nhất là thời các chúa Nguyễn cai quản và phát triển Đàng Trong (1558-1777) với sự đóng góp xuất sắc của vị kiệt tướng đa tài, chính trị gia, chiến lược gia, kỹ thuật gia, nghệ sư, thi sĩ, học giả Đào Duy Từ (1572-1634). Theo lời mời của Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu, hòa thượng Thích Đại Sán/Thạch Liêm/ hạch Đầu Đà dẫn đầu phái đoàn cả trăm người từ Trung Hoa thăm Đàng Trong giai đoạn 1695-1696. Những gì mắt thấy tai nghe lúc ấy, thiền sư Thạch Liêm ghi chép thành 6 quyển “海外紀事 / Hải ngoại kỷ sự”. Trong sách này, Thạch Liêm đánh giá cao về ca múa nhạc và hát bội khi được mời xem trong phủ chúa ở Phú Xuân, nhất là vũ khúc Thái liên/Hái sen.

Vào thời kỳ từ nửa đầu thế kỷ XIX, khi mới lập nghiệp ở phương Nam, triều đình của vua Gia Long đã sớm biết sử dụng nghệ thuật âm nhạc để “di dưỡng tinh thần”. Từ đây tên gọi Nhã nhạc gắn liền với cung đình Huế và thực sự phát triển theo mô thức, quy phạm đúng chuẩn của nhà nước quân chủ. Giai đoạn này cũng là bước chuẩn bị quan trọng tạo tiền đề phát triển cho âm nhạc cung đình các đời vua sau. Cũng chính từ đây, loại hình này trở nên có hệ thống, bài bản phong phú, thậm chí có hàng trăm nhạc chương với lời ca bằng chữ Hán. Và cũng vào thời điểm ấy, Nhã nhạc cung đình Huế được triều đình và cả dân chúng tôn vinh là loại hình âm nhạc chính thống, hay nói cách khác là quốc nhạc. Trong những ngày lễ trọng đại, mang ý nghĩa to lớn như: Tế Nam Giao, Tế Xã Tắc, lễ mừng đăng quang, lễ mừng thọ vua, nghi thức tiếp đón các sứ thần,… triều đình mới cho biểu diễn Nhã nhạc ở Kinh Thành Huế. Nhã Nhạc cung đình Huế sẽ tổ chức 2 lần/tháng và trong thường triều là 4 lần/tháng.

Phát triển mạnh vào thời nhà Nguyễn là vậy nhưng Nhã nhạc cung đình Huế cũng đã từng bị đe dọa nghiêm trọng sau khi xuất hiện những loại nhạc cụ và nền âm nhạc mới từ phương Tây cũng như biến cố sau này khi triều đại phong kiến cuối cùng của nước ta sụp đổ. Tuy nhiên Nhã nhạc vẫn thể hiện sức sống bền bỉ qua thăng trầm của lịch sử và được gìn giữ vẹn nguyên. Cho đến nay, loại hình nghệ thuật bác học này đã được UNESCO công nhận là kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại, để gìn giữ và bảo tồn cũng như giới thiệu cho thế giới một nét đẹp nghệ thuật đặc sắc mà chỉ một số ít quốc gia còn bảo tồn được và giữ gìn đến ngày nay. Sự vinh danh này đã góp công làm nên một Huế thu hút và sâu lắng, bên cạnh một Cố đô cổ kính và thơ mộng bên dòng sông Hương.

Nhã nhạc cung đình Huế mang một giá trị nghệ thuật khi được kết hợp bởi các thành phần: 

Cấu trúc nhạc chương

Các nhạc chương của Nhã nhạc đều do Bộ Lễ biên soạn. Theo đó, tùy theo các buổi lễ khác nhau mà nhạc chương cũng khác nhau như: Tế Giao có nhiều nhạc chương, cụ thể là 10 và mang chữ Thành thể hiện sự thành công; Tế Xã tắc có 7 nhạc chương mang chữ Phong cầu mong được mùa; Tế Miếu có 9 nhạc chương mang chữ Hòa để được hòa hợp; Tế Lịch Đại Đế vương có 6 nhạc chương mang chữ Văn thể hiện trí tuệ; Lễ Đại triều dùng 5 bài mang chữ Bình tỏ ý hòa bình; Lễ Vạn thọ dùng 7 bài mang chữ Thọ với ý nghĩa trường tồn; Lễ Đại yến dùng 5 bài mang chữ Phúc thể hiện phúc lành,…

Vào giai đoạn đầu của triều vua Gia Long, triều đình kế thừa hình thức và cấu trúc Nhã nhạc trước đó bao gồm: Giao nhạc, Miếu nhạc, Ngũ tự nhạc, Đài triều nhạc. Đồng thời Bộ Lễ cũng bổ sung thêm vào nhiều loại thể nhạc khác như Huyền Nhạc, Ty Trúc Tế Nhạc, Ty Chung, Ty Khánh và Ty Cổ sao cho phù hợp với từng cuộc lễ của triều đình mới. Sử sách triều Nguyễn ghi lại chi tiết về 12 cuộc lễ trong đó mỗi cuộc lễ đều có ghi đầy đủ các bài ca chương với 126 bài ghi đầy đủ lời ca nguyên gốc cùng bản dịch.

Tổ chức nhạc khí

Theo quy định thời kỳ này bao gồm 6 loại ban nhạc: Nhã nhạc, Nhạc huyền (bộ nhạc treo), Đại nhạc (Cổ xuý đại nhạc), Tiểu nhạc (ti trúc tế nhạc), Ty chung và Ty khánh (dàn nhạc chuông và khánh đá), Quân nhạc. Mỗi ban nhạc đều có quy định các nhạc khí cụ thể. Theo đó, sẽ có không dưới 30 chủng loại với số lượng hàng trăm nhạc khí khác nhau như trống bản, cái phách, cái sáo, đàn huyền tử, đàn nhị, đàn tì bà, chùm thanh la bằng đồng 3 chiếc…

Không chỉ Nhã nhạc mà múa Cung đình vào thời Nguyễn rất phong phú, đa dạng bao gồm các điệu long, ly, quy, phượng, múa đèn hoặc múa quạt.

Các bộ phận như ban nhạc, nhạc khí, bài nhạc, ca chương… đều được thực hiện bởi những nhạc công, ca công, vũ công tài ba nhất trên khắp mọi miền đất nước hội tụ về. Nhất là trong các ngày đại lễ, lúc này âm nhạc trở thành tiếng nói huyền diệu để vua giao cảm với trời đất, toàn dân hướng về thần linh, tổ tiên. Đó cũng chính là cách kế thừa và tiếp nối những giá trị vô giá của dân tộc qua năm tháng.

Giờ đây, Nhã nhạc cung Đình Huế không chỉ là vốn quý của dân tộc Việt Nam mà còn là tài sản vô giá của loài người. Với những giá trị nổi bật, Nhã nhạc cung đình Huế chắc chắn sẽ tiếp tục được giữ gìn và bảo tồn một cách hiệu quả, góp phần cùng với các loại hình di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam khẳng định vị thế của một dân tộc, một quốc gia giàu truyền thống văn hóa trong khu vực và thế giới.

Nếu có dịp ghé thăm vùng đất của “sông Hương núi Ngự”, bạn đừng quên thưởng thức ít nhất một lần chương trình Nhã Nhạc cung đình Huế nhé! Đấy cũng là một cách “ôn cố tri tân” và tìm hiểu loại hình âm nhạc đậm đà bản sắc dân tộc./.

Read More

Ấn tượng Bún nghệ đậm vị Cố đô

Post By: Loan Kim June 11, 2021 0 Comment(s) Huế

Bún nghệ là một món ăn dân dã gắn liền với tuổi thơ của nhiều thế hệ ở xứ Huế. Và nó không đơn thuần chỉ là một món ăn, mà còn là sự pha trộn nghệ thuật của người dân xứ Huế.

Một tô bún nghệ ngon phải có sự kết hợp độc đáo của vị dai béo của lòng, vị nồng thơm của nghệ tươi, một chút cay của ớt thêm những cọng bún mềm mại ngập trong cả tổng thể rực rỡ sắc vàng. Muốn đạt được điều này, người làm phải hết sức kỳ công từ khâu chọn nguyên liệu đến khâu chế biến, và cuối cùng là ước lượng các thành phần để tạo nên một tô bún nghệ ngon nhất.

Không những ngon miệng, đẹp mắt món Bún nghệ này còn tốt cho sức khỏe và giá cả lại bình dân nên dường như nó đã trở thành món ăn dành cho những buổi xế đói lòng của người Huế.

Bún nghệ đôi khi còn được gọi bằng cái tên khác là “bún lòng heo xào nghệ”. Chỉ nghe qua cái tên gọi ấy thôi thì chắc chắn bạn cũng đã đoán được phần nào thành phần nguyên liệu dùng để chế biến ra món này rồi có phải không? Nguyên liệu tương đối đa dạng và phong phú: bún, nghệ tươi, lòng heo, huyết heo, nước mắm, rau răm, ớt quả… Trong đó, nghệ là thành phần chủ đạo và phải là nghệ thật tươi, hơi già, có màu vàng đậm và chế biến làm sao cho có độ mịn vừa phải là hết sức quan trọng. Nghệ tươi được gọt vỏ, rửa sạch rồi cho vào cối giã đều sao cho quá to hoặc quá nhỏ, phải đảm bảo hương vị ban đầu và màu sắc vốn có. 

Tiếp đến là khâu sơ chế lòng heo. Đây cũng là công đoạn quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến mùi vị tô bún. Lòng heo nên chọn những đoạn còn trắng, hơi hồng tươi, thành dày. Nếu lòng có dịch vàng thì rất dễ đắng, còn nếu thành mỏng thì lại dễ bị dai. Lòng được rửa thật kỹ và làm sạch với muối, sau đó cắt miếng vừa miệng. Phi hành thật thơm, cho lòng vào xào, điều chỉnh độ lửa vừa phải và xào với khoảng thời gian tùy vào số lượng lòng nhiều hay ít. Nêm nếm nước mắm, muối, đường… cho vừa miệng, cho hành lá và một ít bột nghệ vào đảo thật đều, để nồi trên bếp với ngọn lửa thật nhỏ. Tới khi lòng vừa chín, cho bún vào đảo thật nhanh tay thêm khoảng 3 phút. Có thể thêm cả tiết heo đã trần chín, xắt miếng vào xào cùng.

Sau khi hoàn tất, bún nghệ được múc vào tô, cho thêm nước mắm hoặc muối tiêu, rau răm, ớt tươi tùy sở thích của người ăn, thế là đã có ngay một tô bún nghệ khá hấp dẫn và lạ mắt cho bạn thưởng thức. Một tô bún nghệ sẽ gây hấp dẫn ngay từ cái nhìn đầu tiên với bạn bằng một màu vàng tươi bắt mắt.

Gắp một đũa đầu tiên, có thể bạn sẽ thấy hơi lạ lẫm với vị hăng hăng, ngai ngái khó ăn của nghệ tươi. Miếng tiếp theo sẽ giúp bạn đến cảm nhận rõ ràng về món ăn này hơn hơn, nhất là sự mềm mại, không nhão, không khô, rất vừa ăn của những sợi bún xào đã được nghệ ươm vàng.

Khi thưởng thức bạn sẽ phải gật gù khen ngon khi kẹp một cọng rau răm ăn kèm miếng lòng heo béo ngậy, vẫn còn vương vấn mùi thơm của hành tỏi phi. và đặc biệt là cảm giác the the nơi đầu lưỡi của nghệ… Tất cả cộng hưởng vào nhau góp phần tạo nên sự đa dạng cho ẩm thực xứ Huế./.

Read More

Du lịch Huế tháng 5 đừng quên thưởng thức món "Bún trộn" lạ miệng!

Post By: Loan Kim June 11, 2021 0 Comment(s) Huế

Cố đô Huế từ lâu đã vang danh với nền ẩm thực mới lạ, vừa cầu kỳ, tinh tế nhưng cũng có các món ăn vô cùng dân dã. Một trong số đó phải nhắc đến là món “bún trộn” – vừa quen lại vừa lạ; quen vì độ dẻo dai, mùi vị thân thuộc trong từng sợi miến trắng ngà; lạ bởi nét đặc sắc trong chế biến món bún này.

Bún trộn là một món ăn dân dã của người dân xứ Huế, nhưng trong đó lại thể hiện được sự tinh tế, tài tình trong khâu chế biến. Bún trộn, đơn giản chỉ là “có gì trộn nấy” mà thành, nhưng cái khó là phải trộn sao cho ngon, cho đẹp mắt.

Nguyên liệu chính của món bún trộn là miến (hay còn gọi là bún tàu) – sợi bún khô làm từ tinh bột củ dong riềng, bột gạo hoặc bột sắn. Để làm chín cũng như giúp sợi miến vừa mềm mà vẫn còn hơi dai một chút thì miến được trụng trong nồi nước sôi với chút xíu muối. Sau đó, vớt miến ra, xả lại bằng nước lạnh để sợi không bị dính nhau, rồi cho vào rổ làm ráo nước. Hành tím xắt lát mỏng, phi thơm lên, cho thêm chút ớt bột để tạo màu, nêm chút gia vị sau đó trộn hỗn hợp với nhau. Trộn liền tay để sợi miến không dính vào nhau và thấm đều gia vị.

Một số món Huế không quá phụ thuộc vào cách chế biến, mà yếu tố chủ chốt là nguyên liệu tự nhiên tươi ngon. Bún trộn cũng là món ăn như vậy. Phần nhân bún trộn dùng mít non, bắp chuối hoặc trái vả ruột hồng, giúp giữ lại vị ngọt tự nhiên sau khi luộc mềm. Tiếp đến thái lát mỏng và nhẹ tay vắt hết nước chát. Mùa hè, bún trộn kèm mít non nhưng sang trời đông, trái vả được dùng thay thế mít. Có thể lý giải điều này qua câu nói dân gian: “Mít mùa đông ba đồng một múi”. Do vậy, tùy theo mỗi mùa, người bán lựa chọn mít non hoặc vả trộn để làm phần nhân bún nhưng vẫn giữ được nét “hương đồng gió nội”.

Nguyên liệu không chỉ có vậy mà còn cần thịt heo mỡ, khuôn đậu rán vàng, nấm mèo (mộc nhĩ), cà rốt thái sợi dài và nhỏ. Bốn thứ này được cho vào chảo xào thật đều, nêm gia vị sao cho thấm tháp. Cho phần hỗn hợp nguyên liệu này trộn chung với miến một chút đậu phộng rang giã đôi, chút tương ớt, chút bánh tráng bẻ vụn, chút nước mắm ngọt hoặc mắm nêm (tùy thuộc khẩu vị từng người mà chọn một trong hai) và chút chanh để dậy mùi. Cuối cùng rắc một ít hành lá cắt nhỏ hòa chút dầu điều sẽ khiến món bún hấp dẫn, đầy sức quyến rũ.

Có thể gọi bún trộn là món chay, bởi lẽ trong tất cả các nguyên liệu làm nên món ăn này đều là rau, củ, quả và ăn kèm với xì dầu (nước tương), chao. Ngược lại, nó cũng là một món mặn khi sử dụng chung với nước mắm hoặc mắm nêm cùng vài lát chả da heo. Ngày nay, món bún trộn lạ miệng này còn được biến tấu kèm nhiều nguyên liệu khác như mì sợi vàng, tóp mỡ, chả cá, thịt nướng, nem chua, thịt luộc,…

Một tô bún trộn hoàn hảo là trong đó có đầy đủ 5 màu (xanh – rau sống; đỏ – ớt, cà rốt; đen – nấm mèo; vàng – khuôn đậu, đậu phộng rang, mè rang và màu trắng của bắp chuối/vả/mít non luộc, bánh tráng, miến), 5 vị (mặn – ngọt – béo – bùi – chua thanh), tượng trưng cho ngũ hành (Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ) như những món ăn thường thấy của người dân Cố đô. Dường như kết tinh trong mỗi món ăn của người dân Huế, dù cao sang hay dân dã đều có sự hài hòa với thiên nhiên, đất trời cùng những triết lý âm dương vô tận, chỉ đến khi được thưởng thức ta mới nhận ra.

Gắp một miếng đầy đủ gồm bún, cà rốt, mít, rau xanh… đầu tiên sẽ bắt gặp vị dai sần sật; đâu đó vị thanh, vị mặn của nước trộn cùng bánh tráng nướng giòn tan. Đến thưởng thức trọn vẹn hương vị của không chỉ món ăn bún trộn, mà trên hết là cảm nhận sự phong phú trong ẩm thực xứ Huế. Sắc màu và hương vị hoà lẫn vào nhau tạo nên một tô bún đậm đà không kém phần thi vị.

Bún trộn “made in Huế” được bán rất nhiều vào buổi chiều tại các chợ: An Cựu, Bến Ngự, chợ Xép Trần Quang Khải… với giá rất bình dân. Với người Huế, bún trộn là một trong những món ăn được lựa chọn cho thực đơn “bữa lỡ”, vừa ngon, vừa không bị ngán, phù hợp với cả ngày hè nóng nực cũng như tiết trời mát mẻ của mùa thu. Chính những món ăn dân dã, dễ làm, cùng những cách nêm nếm rất riêng của người Huế đã góp thêm nét độc đáo cho ẩm thực Huế. Nếu bạn có cơ hội một lần đến Huế, đừng quên ghé những gánh hàng rong hay các chợ để thưởng thức những hương vị rất Huế như món bún trộn, càng trộn càng ngon này nhé!

Read More

Vị mát ngọt, thanh tao của "bánh trái cây" ở xứ Huế

Post By: Loan Kim June 1, 2021 0 Comment(s) Huế

Huế vốn là xứ sở của nhiều loại bánh trái từ các loại bánh dâng vua chúa cho đến các loại bánh dân dã, trong đó có loại “bánh trái cây” độc đáo. Đây là một món ăn chơi, không riêng gì của Huế nhưng khi “lạc” vào mảnh đất Cố đô, món bánh này dường như cũng mang chút tinh tế, cầu kỳ và đặc biệt. Lấy cảm hứng từ những loại trái cây trong vườn, qua bàn tay khéo léo của người phụ nữ Huế, món bánh trái cây ra đời – ngọt thơm, dịu nhẹ làm đẹp lòng biết bao người thưởng thức.

“Bánh trái cây” có nguồn gốc từ nền ẩm thực cung đình Huế. Gọi là bánh “quý tộc” bởi những nghệ nhân phải tốn nhiều công sức để làm nên chúng. Và trước kia, chỉ dùng tại các yến tiệc của Vua chúa ở Hoàng Cung, hoặc trong mâm cỗ gia đình quan lại và quý tộc vào các dịp lễ thời xưa. Mang tên “bánh trái cây” đơn giản vì bánh được làm từ đậu xanh. Sau đó nhào nặn thành những “phiên bản” trái cây thu nhỏ, khiến ai có dịp ngó qua một lần đều khó kìm được xuýt xoa, mê mẩn trước vẻ đẹp tinh tế trong món bánh này.

Hẳn ai đó sẽ cho rằng để làm món bánh “quý tộc” phải là những sản vật quý hiếm, nhưng với món “bánh trái cây” thì nguyên liệu vô cùng dân dã, gồm: đậu xanh, rau câu và phẩm màu tự nhiên. Đậu xanh và lá rau câu có tính mát, giàu vitamin và đạm thực vật. Bởi vậy mà dù là món ăn chơi nhưng vẫn giàu chất dinh dưỡng.

Đậu xanh để làm “bánh trái cây” thường là loại đậu mỡ, hạt đều và mẩy. Sau khi cán xong thì đem ngâm nước ấm trong khoảng 4-6h để làm mềm và loại bỏ phần vỏ. Tiếp tục đãi sạch vỏ, cho đậu vào nồi đổ nước xâm xấp rồi bắc lên bếp đun với lửa nhỏ. Lúc hạt đậu đã mềm thì cho đường vào. Để làm đậm vị ngọt và tăng độ béo, cho thêm một ít muối vào nồi đậu xanh. Dùng đũa cả khuấy mạnh tay, đảo thật đều rồi nhanh tay nhắc nồi ra khỏi bếp kẻo cháy. Nhân lúc còn nóng, tiếp tục dùng đũa đánh đều cho hạt đậu nát đến khi mềm mịn. Cách nấu phần nhân này giống hệt nấu món chè xanh đánh của xứ Huế. 

Công đoạn tiếp theo là nhào nặn đậu xanh bằng tay để đậu mềm mại. Tùy vào sự khéo tay và trí tưởng tượng của mỗi người mà tạo ra loại bánh có hình dáng quả tương ứng như: đào, khế, ổi, xoài, cà chua, ớt, măng cụt, lựu, bí ngô, đào tiên, đu đủ,… Các quả được nặn xong thì dùng một que tre nhỏ xóc vào phần cuống của quả, cố định que tre để giữ dáng và làm khô quả. Mang mẻ bánh đó đi sấy khô khoảng 5 – 6 tiếng để thuận tiện trong việc lên màu bánh.

Nếu công đoạn chuẩn bị nguyên liệu và tạo hình mất nhiều thời gian thì việc tạo màu sắc cho bánh đòi hỏi sự cẩn thận, tỉ mỉ. Người Huế sử dụng các loại màu có sẵn trong tự nhiên chứ không dùng phẩm màu. Các màu chủ đạo thường dùng là màu hồng tím, màu vàng, màu đỏ và màu xanh lá cây. Sắc vàng đậm có thể dùng bột nghệ/cà rốt, màu vàng nhạt thì dùng các loại quả như xoài chín, chanh dây, màu đỏ của gấc, màu xanh của lá dứa/ lá rau ngót và màu tím của củ dền. Từ những tông màu chủ đạo này, cũng tùy vào sự khéo léo trong cách pha chế, trộn màu mà có thêm những gam màu khác như xanh lục, hồng… Dùng máy xay sinh tố xay nhuyễn những loại trái cây trên với một ít nước, lọc lấy phần nước ta có màu cần dùng cho món bánh trái cây này. 

Tiếp tục nấu rau câu trên bếp, khuấy đều cho đến lúc sôi thì để lửa liu riu. Lúc này, lấy mẻ bánh đã được sấy khô nhúng vào rau câu để tạo lớp bảo vệ. Nhúng đi nhúng lại hai ba lượt ta sẽ có một lớp rau câu phủ đều trên quả. Đợi lớp rau câu khô một tí thì chuyển sang công đoạn tô màu. Tùy vào mỗi loại trái cây mà người làm bánh có thể phối màu sao cho thật sống động và đẹp mắt. Đó chính là sự pha trộn của nhiều màu sắc như ớt có thân màu đỏ, cuống xanh; trái khế có thân màu vàng xanh; hay lạ mắt hơn là quả đào với hai màu hồng và đỏ. Đợi màu khô rồi nhúng thêm một lớp rau câu không pha màu nữa, lớp này có tác dụng giữ màu và làm bóng quả. Đến khi lớp rau câu ngoài cùng khô thì món bánh hoàn thành. 

“Bánh trái cây” khi thành phẩm phải có sự hòa quyện giữa vị ngọt bùi của đậu xanh và độ dẻo dai của lớp rau câu bên ngoài. Khi cắn miếng bánh, lớp rau câu đứt ra, nhân đậu xanh tan dần trong miệng mát ngọt, thanh tao. Thưởng thức miếng bánh, nhấp một ngụm trà và thưởng lãm không gian yên tĩnh trong khu vườn Huế, không còn gì tao nhã hơn…

Giống như tò he, “bánh trái cây” như lưu giữ một phần hồn kí ức tuổi thơ của biết bao thế hệ lớn lên trên mảnh đất Huế. Những ngày còn bé, hay đứng góc nhà chờ bà đi chợ mua cho vài chiếc bánh đậu xanh trái cây. Nhận chiếc bánh trên tay mà vui không thể tả. Bây giờ, ăn một quả trái cây đậu xanh, uống tách trà, nhớ lại những ngày còn bé. Giờ chỉ còn lại là những kỷ niệm ngày thơ bé.

Du khách đến Huế có thể tìm mua loại bánh này tại chợ Đông Ba, không gian văn hoá Lục Bộ. Để rồi khi ăn vào, thực khách sẽ bị mê mẩn bởi những chiếc bánh khoác trên mình hình thù đẹp mắt, màu sắc bóng loáng. Nhấp một miếng trà đắng, cắn một miếng bánh ngon. Rồi từ từ cảm nhận ngay sự tan chảy nhân đậu mềm mịn trên đầu lưỡi, kế đến là độ giòn tan từ rau câu khiến cho ai ai thưởng thức cũng đắm chìm trong vị ngon, ngọt đặc trưng của món bánh truyền thống cung đình Huế thuở nào./.

Read More

Contact info

  • Address: 11/61 Le Minh Street An Dong Ward, Hue City, Vietnam
  • Phone: (+84) 913 479 171
  • Email: loankimhomestay@gmail.com
  • TDP-2
  • TDP-17
  • TDP-18
  • TDP-19
  • TDP-32
  • TDP-42
  • TDP-45
  • TDP-46
  • TDP-47
  • LK-coffee
  • lk-st
  • PrivateRoom-2

©2021 Loan Kim Homestay All Rights Reserved.

©2022 WordPress Theme SW Kingplace. All Rights Reserved. Designed by WPThemeGo.Com.

X
x
Login in or create account

Or
  • Menu
  • Home
  • Room
  • Visit Hue
  • About Us
  • Contact Us
  • English
    • Vietnamese