Từ lâu, bánh bột lọc đã là một món ăn vặt rất phổ biến ở Huế. Qua bao thăng trầm của thời gian, những người con của Huế đã đi mưu sinh, làm ăn tại nhiều vùng, miền của đất nước; họ cũng đã mang theo nghề làm và kinh doanh món bánh này. Dẫu vậy, dù ở bất cứ nơi nào thì chất liệu, hương vị và sắc màu của loại bánh đặc trưng này của xứ Huế vẫn vẹn nguyên, không đổi thay.
Với người Huế, bánh bột lọc vốn đơn giản chỉ là món một ăn vặt hay chỉ là một thức quà. Nhưng nhờ cách chế biến riêng cùng với sự khéo léo của bàn tay những người phụ nữ mà từ lâu bánh bột lọc đã trở thành một cái tên tồn tại song song với những thương hiệu đặc sản Huế khác. Món ăn này từng được giới thiệu là một trong 30 món bánh ngon nhất thế giới, có khả năng “chinh phục” những thực khách khó tính nhất. Như vậy cũng đủ thấy sức hấp dẫn của nó đến nhường nào.
Bánh bột lọc có hai loại: bánh bột lọc được gói bằng lá chuối và bánh bột lọc trần (không gói). Nếu ví bánh bột lọc trần như cô gái thành thị mang vẻ đẹp khỏe khoắn, hiện đại, luôn cởi mở, dễ gần thì ngược lại, bánh bột lọc gói lại được xem như cô gái Huế luôn e ấp, dịu dàng trong tà áo dài và nón lá duyên dáng. Do đó, không ít vị khách du lịch đến Huế, sau khi rong ruổi khắp các địa danh, các con phố hay thả hồn bên bờ sông Hương thơ mộng đều không quên tìm đến những hàng quán, thậm chí là ngóc ngách để thưởng thức cho bằng được món bánh dân dã này.
Bánh bột lọc bình dị cả về mặt nguyên liệu lẫn cách chế biến nhưng nó lại rất hấp dẫn trong mắt thực khách. Để làm nên được những chiếc bánh vừa trong và dẻo, vừa béo ngậy và thơm thì đòi hỏi người làm phải biết cách. Nguyên liệu chính cần có gồm bột năng, thịt ba chỉ, tôm.
Bánh bột lọc nói chung gồm 2 phần là vỏ bánh và phần nhân. Trước khi bắt đầu làm phần vỏ bánh, người Huế thường làm phần nhân trước. Thịt ba chỉ được cắt nhỏ, tôm tươi làm sạch, cắt bỏ phần đầu và đuôi rồi mang đi rim khô.
Sau khi xong phần nhân bánh sẽ tiến hành làm vỏ bánh. Với loại bánh bột lọc trần, phần vỏ bánh sẽ được nhào kỹ từ bột năng với nước ấm rồi nặn thành viên lớn và đem luộc chín. Sau đó, người ta lại đem những viên bột chín nhào cùng bột năng sống để được các khối bột bánh. Bánh được nặn thành những miếng tròn với một chút nhân rồi ép lại thành hình bán nguyệt nhỏ. Để chần bánh, người ta đem bỏ bánh vào nước sôi luộc khoảng 15-20 phút rồi vớt bánh ra, nhúng qua nước sôi để nguội và xóc bánh với dầu phi hành lá. Sau đó bỏ bánh ra tô, rải tóp mỡ, hành phi và ớt tươi đã được thái lát.
Còn với bánh bột lọc gói, vỏ bánh được chế biến từ bột năng, muối, đường và dầu ăn. Hỗn hợp bột này phải được trộn thật đều rồi cho lên bếp đun đến khi đặc quánh thì nhấc xuống, quấy đều để bột mịn và nguội dần sau đó đặt kèm phần nhân và gói ghém lại tỉ mỉ bằng lá chuối để bánh giữ được hương vị thơm ngon khi hấp.
Việc tạo hình và gói những chiếc bánh cũng khá quan trọng. Lá phải là lá chuối xanh để tạo mùi thơm đặc biệt. Lá rửa sạch, xé ra thành từng miếng, để ráo rồi hơ lửa là quét xíu dầu đậu phộng. Sau đó múc từng phần nhỏ bột đặt vào giữa lá, dùng tay dần mỏng bột, cho phần nhân tôm và thịt vào giữa, dần bột nối các góc và mép bột lại, gấp hai mép lá chồng lên nhau. Cuối cùng nhẹ nhàng xếp những chiếc bánh nhỏ xinh đó vào nồi hấp cách thủy, chừng 15 phút là bánh chín. Chiếc bánh mang vị mát thanh thanh của bột lọc, thơm ngọt của tôm, thịt thì đố ai mà cưỡng lại được.
Những chiếc bánh khi bóc phải có độ trong vừa phải, không bị đọng bột mới là đạt yêu cầu. Ngoài ra, bánh phải vẫn giữ được độ dai dai của bột lọc cùng vị mặn mà của nhân tôm. Cách làm bánh tuy đơn giản nhưng mà rất ngon, mang đậm hương vị của ẩm thực cố đô Huế!
Bánh bột lọc nho nhỏ, trong suốt phô bày con tôm và lát thịt đỏ au ăn với trái ớt xanh, cay vô kể nhưng cứ bắt người ta phải nhớ. Ăn bánh bột lọc có nhiều cái thú dẫn dắt từ từ khác nhau. Đầu tiên là cái thú bóc bánh. Món này vốn gói lá như nem, chả… nên chỗ bán đúng kiểu thường để luôn lá dọn ra để khách vừa ăn vừa tự tay bóc từng chiếc một.
Bóc bánh xong, tay cầm luôn miếng bột lọc chấm thẳng vào bát nước chấm (pha từ nước mắm mặn có cà rốt muối chua và ớt bằm hoặc nước mắm chua ngọt, được pha hơi loãng tùy từng khẩu vị) rồi cho vào miệng. Cho hết cả miếng vào, húp thêm ngụm nhỏ mắm cay nữa, nhai giòn giòn ngon ngon, ăn mãi không ngán vì bột lọc không sợ béo như bột bánh bèo, bánh nậm hay bánh đúc. Nhân tôm mằn mặn giòn giòn ăn cũng không nhanh chán như nhân đậu xanh của bánh ít trần.
Bánh bột lọc ăn lúc nào trong năm cũng ngon và hợp song có lẽ thưởng thức vào khi tiết trời lành lạnh thì tuyệt nhất bởi lẽ vị cay nồng của bát nước chấm cũng ít nhiều xua tan bớt cảm giác tê tái của tiết trời…
Đi du lịch ở bất cứ vùng miền nào, khi khám phá ẩm thực, du khách đều cảm nhận được những điểm thi vị rất riêng. Đến Huế cũng thế, thưởng thức bánh bột lọc ở các quán ăn bình dân hay nhà hàng sang trọng, thì bánh bột lọc đều làm cho thực khách cảm nhận được đủ hương vị tuyệt vời của nó – hương vị giản dị nhưng đậm chất Huế không thể nhầm lẫn với các nơi khác./.