Đã bao đời nay, dù đất nước thăng trầm qua nhiều biến cố chiến tranh, giặc giã, nhưng từ khắp làng mạc, xóm thôn đến chốn phố xá, thị thành đều có tục cúng đất. Với xứ Huế tâm linh thì cũng không là ngoại lệ.
Tương truyền, khi Công chúa Huyền Trân được gả cho vua Chế Mân của nước Chiêm Thành vào năm 1306, Đại Việt ta nhận được sính lễ từ vua Chăm là vùng đất 2 châu: Châu Ô, Châu Lý (Châu Rí). Tính theo ngày nay là vùng đất phía Nam tỉnh Quảng Bình cho đến phía Bắc tỉnh Quảng Ngãi. Như vậy, cư dân ở vùng đất này vốn là cư dân của Vương quốc Chămpa, theo suy nghĩ của người Đại Việt lúc bấy giờ vùng đất này là vùng đất xa lạ, họ chưa quen thổ nhưỡng, khí hậu, địa hình cho nên khi vào đây lập nghiệp họ mang trong mình sự tôn kính đối với người dân bản địa và các vị thần linh ở đây. Từ đó, họ có lệ cúng Đất như là việc mong thần linh và những linh hồn người bản địa từng cư ngụ ở đây phù hộ độ trì, chấp thuận cho sự có mặt làm ăn sinh sống của cư dân Đại Việt ta. Và cho đến ngày nay, vùng đất xứ Kinh kỳ đầy tâm linh này vẫn luôn giữ nét truyền thống ấy một cách đầy thành kính.
Cúng đất là dịp để gia đình, bạn bè họp mặt sau khi mùa vụ đã gặt hái xong. Tục lệ này nhằm thắt chặt tình cộng đồng hàng xóm, láng giềng. Cúng đất còn là dịp để các bà, các chị thể hiện sự khéo léo, giỏi giang trổ tài nữ công gia chánh. Tục lệ cúng đất không nặng yếu tố mê tín dị đoan, mà thể hiện tấm lòng “uống nước nhớ nguồn”, tri ân, biết ơn tổ tiên.
Hàng năm, cứ 2 lần vào một ngày tốt trong tháng 2 và tháng 8 âm lịch, mỗi gia đình Huế lại làm lễ dâng cúng cho các vị thần thành hoàng, ngũ phương, ngũ hành, thần đất, thần nhà, thần tiên sư các nghề, thần vườn, thần quản lục súc, thần che chở của cải, thần phúc đức, chủ đất, kho đất, thần cây gỗ, thần đường sá, thần cai quản các loại ma, núi đồi đầm phá, thần bảo vệ đất, cha đất, con đất, cháu đất, cửa ngõ, chúa quỷ miệng lửa và lực sĩ mặt cháy.
Đặc biệt trong lễ cúng này, chủ nhà thành tâm kính mời linh hồn cô đơn các ma Chàm, ma Chợ, ma Mọi, ma Rợ, vì ốm đau đói khát mà chết; ma Lồi ma Lạc có tước vị mà không có tên, có tên mà không có tước vị cùng đến dự.
Một lễ cúng đất đầy đủ nhất có đến 3 bàn: bàn thượng, bàn trung và bàn hạ (bàn hội đồng). Ở bàn thượng chỉ có một con gà trống luộc, gồm huyết và lòng rắc muối hạt một con dao bằng tre, cùng một dĩa xôi trắng, phụ 5-6 chén chè; bàn trung gồm một con gà mái luộc đầy đủ lòng và huyết cũng rắc muối hạt đặt dao tre, một dĩa xôi trắng và một số chén chè. Tại bàn cúng này còn có 3 con cua bể, 3 quả trứng và 3 miếng thịt heo luộc đều có rắc muối sống. Ở bàn hạ bố trí một mâm cơm đầy đủ các thức ăn song phải có một dĩa ra tập tàng luộc (có thể thay bằng rau khoai) với nước mắm nêm, một gắp cá nướng, loại cá nhỏ và một khay khoai sắn luộc, một khay gạo sống muối sống, hột nổ ngũ sắc, đường đen, một nồi cháo trắng. Tất cả 3 bàn này đều có hoa quả, bát hương, cây đèn, ly nước, ly rượu, dĩa cau trầu. Ngoài ra còn có các loại vàng mã (đồ giấy), ở bàn thượng là một chiếc ngai có tàng, trên đặt mũ phương phát, một đôi hia, và một chiếc áo vẽ rồng có đai đeo. Ở bàn trung gồm trang phục của bà thổ, bà hỏa là 2 chiếc nón quai thao, 2 chiếc quần, 2 chiếc áo vẽ hình chim phụng, hai chiếc đãy cau trầu và hai chiếc quạt, năm bộ chủ Ngung Man Nương, gồm 5 chiếc nón chóp nhọn và 5 bộ áo quần, năm bộ Ngũ phương gồm 5 chiếc mũ, 5 đôi giày, 5 chiếc áo nhỏ, thập nhị Long Trạch gồm 12 chiếc áo đen. Ở bàn hạ, hội đồng, chỉ bày áo binh.
Ba bàn đặt trước nhà, gia chủ đứng từ trong nhà lạy ra. Khi gần xong lễ, gia chủ sẽ lấy bẹ chuối làm thành một chiếc túi đựng thức ăn, áo binh, giấy vàng bạc, treo ở cổng nhà hoặc ở góc vườn gọi là Xà Lẹc, dành cho những “người” qua đường. Vàng mã thì đốt đi, cháo thánh, gạo muối vãi lên trên khi lửa đốt sắp tàn.
Xong lễ, người Huế thường để lại cặp chân gà lễ để đem đi “xem giò” để gia chủ biết được cát – hung – họa – phúc trong năm của gia đình.
Tục cúng đất mang vẻ đẹp của văn hóa tâm linh, rất nhân văn. Vì thế dù hiện nay văn hóa truyền thống có nơi bị mai một nhưng xứ Huế vẫn lưu giữ tục lệ này. Đây là nét đẹp truyền thống của cha ông thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc trong việc tri ân “Ăn quả nhớ người trồng cây” đối với tiền nhân nơi mình sinh sống cũng như việc giữ gìn tinh thần đoàn kết, sự giao lưu văn hóa các vùng miền trong đại gia đình dân tộc Việt Nam./.