Xứ Huế vốn được ví như “thiên đường của bánh canh”, nào là bánh canh Nam Phổ, bánh canh cua rời, bánh canh bột gạo… Và trong số đó phải kể đến bánh canh cá lóc làm nên đặc sản thương hiệu của cả một vùng đất Cố đô. Tất cả dù chế biến từ những nguyên liệu mộc mạc, đơn sơ nhưng dưới bàn tay tài hoa con người nơi đây đã chế biến thành món ăn hấp dẫn, đầy bổ dưỡng.
Đối với nhiều người dân xứ Huế, đã nói đến bánh canh cá lóc thì phải nhắc đến Thủy Dương. Có người nói, Thủy Dương chính là nơi xuất xứ của món ăn dân dã này. Thực hư chưa rõ, chỉ biết rằng nơi đây có hàng chục quán bánh canh san sát nhau dọc hai bên đường.
Bánh canh cá lóc phải rất kì công mới chế biến được món ăn đúng vị. Bột gạo và cá lóc là hai nguyên liệu chính không thể thiếu đối với loại bánh canh này.
Để chế biến nên sợi bánh canh, trước tiên gạo ngâm với nước rồi mới xay, sau đó sú bột và giã đều trong cối. Người ta giã bột phải thật đều tay, giã cho tới lúc “chín”, tức là bột chặt, dai, quện đều vào nhau mà không dính tay để khi nấu sợi bánh canh vẫn trong, không nhão làm món ăn trở nên ngán. Ngày nay, việc giã tay đã được thay bằng xay bột và nhào bột bằng máy để tiết kiệm thời gian. Chính vì điều này làm cọng bánh canh ở nhiều nơi không còn nguyên vị, thường tan vào nước quánh đặc, hay nhão nhoét không ngon.
Cá lóc để nấu bánh canh phải là loại cá lóc còn tươi, sau đó được hấp vừa chín tới, săn từng thớ thịt. Sau đó gỡ riêng phần thịt cá, lòng cá và xương, đầu. Xương và đầu cá thì được giã nhỏ rồi lọc lấy nước dùng làm nước nấu cùng với nước luộc cá. Đây cũng chính là bí quyết giúp nước cháo luôn ngon ngọt tự nhiên. Phần lòng cá lóc là “mồi nhậu” được bán riêng cho những người đặt hàng trước để cùng nhăm nhi với tô bánh canh thơm ngọt. Còn phần thịt cá sau khi gỡ xương thì ướp tiêu, mắm, ớt, hành,… om lên cho thơm.
Tất cả đều được sơ chế riêng: nước dùng có nồi riêng, bột được luộc riêng, cũng như cá được um riêng. Sau đó mới cho vào tô từng thứ một. Tùy theo sở thích của khách mà chủ quán sẽ gia giảm lượng bột và cá sao cho phù hợp nhất.
Khi khách gọi, chủ quán một tay cầm bột đã được cán mỏng trên từng ống nhựa, một tay cầm dao, thao tác thoăn thoắt như máy. Những sợi bột nhanh chóng rơi thẳng vào nồi nước đang sôi để luộc chín. Sau khi bánh chín thì đổ vào tô, gắp thịt cá lóc vào, múc nước dùng rưới lên bên trên.
Món này được ăn nóng, vừa thổi vừa ăn mới đúng điệu. Bột được luộc chín vừa phải nên khi ăn dai dai rất tuyệt, mà lại không hề ngán chút nào. Thịt cá cũng không hề bị nát và tanh. Vị ngọt tự nhiên của cá chính là điểm cộng cho món ăn này.
Khi ăn có thể cho thêm ớt bột loại cay, hành thái nhỏ, hạt tiêu cho tròn vị. Tuỳ khẩu vị mà tiêu ớt được gia giảm tuỳ thích, nhưng tuyệt đối phải thưởng thức lúc tô bánh canh nghi ngúc khói, vì để nguội ăn dễ tanh.
Từ một món ăn dân dã, bánh canh cá lóc đã chinh phục được khẩu vị của nhiều thực khách và tạo được phong vị riêng; dù không phải cao lương nhưng vẫn chứa trong đó đầy mỹ vị của ẩm thực xứ Huế làm nức lòng khách gần xa. Nếu có dịp đặt chân đến mảnh đất Huế thân thương, bạn hãy thử qua hương vị đầy tuyệt vời của món ăn này nhé!