Cố đô Huế từ lâu đã vang danh với nền ẩm thực mới lạ, vừa cầu kỳ, tinh tế nhưng cũng có các món ăn vô cùng dân dã. Một trong số đó phải nhắc đến là món “bún trộn” – vừa quen lại vừa lạ; quen vì độ dẻo dai, mùi vị thân thuộc trong từng sợi miến trắng ngà; lạ bởi nét đặc sắc trong chế biến món bún này.
Bún trộn là một món ăn dân dã của người dân xứ Huế, nhưng trong đó lại thể hiện được sự tinh tế, tài tình trong khâu chế biến. Bún trộn, đơn giản chỉ là “có gì trộn nấy” mà thành, nhưng cái khó là phải trộn sao cho ngon, cho đẹp mắt.
Nguyên liệu chính của món bún trộn là miến (hay còn gọi là bún tàu) – sợi bún khô làm từ tinh bột củ dong riềng, bột gạo hoặc bột sắn. Để làm chín cũng như giúp sợi miến vừa mềm mà vẫn còn hơi dai một chút thì miến được trụng trong nồi nước sôi với chút xíu muối. Sau đó, vớt miến ra, xả lại bằng nước lạnh để sợi không bị dính nhau, rồi cho vào rổ làm ráo nước. Hành tím xắt lát mỏng, phi thơm lên, cho thêm chút ớt bột để tạo màu, nêm chút gia vị sau đó trộn hỗn hợp với nhau. Trộn liền tay để sợi miến không dính vào nhau và thấm đều gia vị.
Một số món Huế không quá phụ thuộc vào cách chế biến, mà yếu tố chủ chốt là nguyên liệu tự nhiên tươi ngon. Bún trộn cũng là món ăn như vậy. Phần nhân bún trộn dùng mít non, bắp chuối hoặc trái vả ruột hồng, giúp giữ lại vị ngọt tự nhiên sau khi luộc mềm. Tiếp đến thái lát mỏng và nhẹ tay vắt hết nước chát. Mùa hè, bún trộn kèm mít non nhưng sang trời đông, trái vả được dùng thay thế mít. Có thể lý giải điều này qua câu nói dân gian: “Mít mùa đông ba đồng một múi”. Do vậy, tùy theo mỗi mùa, người bán lựa chọn mít non hoặc vả trộn để làm phần nhân bún nhưng vẫn giữ được nét “hương đồng gió nội”.
Nguyên liệu không chỉ có vậy mà còn cần thịt heo mỡ, khuôn đậu rán vàng, nấm mèo (mộc nhĩ), cà rốt thái sợi dài và nhỏ. Bốn thứ này được cho vào chảo xào thật đều, nêm gia vị sao cho thấm tháp. Cho phần hỗn hợp nguyên liệu này trộn chung với miến một chút đậu phộng rang giã đôi, chút tương ớt, chút bánh tráng bẻ vụn, chút nước mắm ngọt hoặc mắm nêm (tùy thuộc khẩu vị từng người mà chọn một trong hai) và chút chanh để dậy mùi. Cuối cùng rắc một ít hành lá cắt nhỏ hòa chút dầu điều sẽ khiến món bún hấp dẫn, đầy sức quyến rũ.
Có thể gọi bún trộn là món chay, bởi lẽ trong tất cả các nguyên liệu làm nên món ăn này đều là rau, củ, quả và ăn kèm với xì dầu (nước tương), chao. Ngược lại, nó cũng là một món mặn khi sử dụng chung với nước mắm hoặc mắm nêm cùng vài lát chả da heo. Ngày nay, món bún trộn lạ miệng này còn được biến tấu kèm nhiều nguyên liệu khác như mì sợi vàng, tóp mỡ, chả cá, thịt nướng, nem chua, thịt luộc,…
Một tô bún trộn hoàn hảo là trong đó có đầy đủ 5 màu (xanh – rau sống; đỏ – ớt, cà rốt; đen – nấm mèo; vàng – khuôn đậu, đậu phộng rang, mè rang và màu trắng của bắp chuối/vả/mít non luộc, bánh tráng, miến), 5 vị (mặn – ngọt – béo – bùi – chua thanh), tượng trưng cho ngũ hành (Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ) như những món ăn thường thấy của người dân Cố đô. Dường như kết tinh trong mỗi món ăn của người dân Huế, dù cao sang hay dân dã đều có sự hài hòa với thiên nhiên, đất trời cùng những triết lý âm dương vô tận, chỉ đến khi được thưởng thức ta mới nhận ra.
Gắp một miếng đầy đủ gồm bún, cà rốt, mít, rau xanh… đầu tiên sẽ bắt gặp vị dai sần sật; đâu đó vị thanh, vị mặn của nước trộn cùng bánh tráng nướng giòn tan. Đến thưởng thức trọn vẹn hương vị của không chỉ món ăn bún trộn, mà trên hết là cảm nhận sự phong phú trong ẩm thực xứ Huế. Sắc màu và hương vị hoà lẫn vào nhau tạo nên một tô bún đậm đà không kém phần thi vị.
Bún trộn “made in Huế” được bán rất nhiều vào buổi chiều tại các chợ: An Cựu, Bến Ngự, chợ Xép Trần Quang Khải… với giá rất bình dân. Với người Huế, bún trộn là một trong những món ăn được lựa chọn cho thực đơn “bữa lỡ”, vừa ngon, vừa không bị ngán, phù hợp với cả ngày hè nóng nực cũng như tiết trời mát mẻ của mùa thu. Chính những món ăn dân dã, dễ làm, cùng những cách nêm nếm rất riêng của người Huế đã góp thêm nét độc đáo cho ẩm thực Huế. Nếu bạn có cơ hội một lần đến Huế, đừng quên ghé những gánh hàng rong hay các chợ để thưởng thức những hương vị rất Huế như món bún trộn, càng trộn càng ngon này nhé!