Cố đô Huế, mảnh đất thần kinh, nơi chứa đựng nhiều giá trị văn hóa lịch sử của vương triều nhà Nguyễn. Bên cạnh Nhã nhạc Cung đình, Ca Huế thì còn tồn tại một loại hình mà ít người biết tới đó là “Hát Chầu văn” trong tính ngưỡng thờ Mẫu.
Từ thế kỷ XVI đến giữa thế kỷ XX, thời kỳ nhà Nguyễn (1802-1945), Huế là Kinh đô của cả nước đã kết tinh, hội tụ nhiều sắc thái văn hóa trong đó âm nhạc thấy khá rõ nét. Ngoài những làn điệu như hò, vè , lý, nhạc Cung đình, nhạc Nghi lễ thì hình thành một thể loại mới gọi là nhạc Chầu văn.
Nhạc Chầu văn chính là quá trình biến lời trên những bài văn chầu được cấu thành bởi những khổ thơ lục bát hoặc song thất lục bát thành nhạc điệu. Nội dung của nó diễn đạt sự tích ca ngợi các vị Thánh – Thần – Tiên được thờ trong điện, gắn liền với những truyền thuyết và câu chuyện dân gian.
Chầu văn Huế có đặc trưng riêng, trên cơ sở hệ thống thang âm cổ truyền (thang năm âm – ngũ cung) của vùng Bắc Trung bộ nói riêng và Việt Nam nói chung. Nhịp điệu cũng là một trong những yếu tố tạo nên tính chất đặc trưng của nó. Ở đây phổ biến là nhịp 2/4, ngoài ra còn có nhịp 3/7 nhưng ít khi sử dụng, nếu dùng thì ở trong bản văn thỉnh Hội đồng.
Ngoài việc sử dụng những làn điệu chính gốc như giọng Phú, Sắp, Thượng, Đài, Quảng, Cờn còn kết hợp những thể biến cách, kế thừa những làn điệu dân ca miền Bắc như Long lành, Trống quân, Ta lý, hát Thượng.
Dàn nhạc trong Chầu văn cơ bản gồm có đàn Nhị, đàn Nguyệt, đàn Bầu, sáo, bộ gõ có phách, trống, sau này bổ sung thêm đàn Ghitar phím nhún. Nhưng tùy theo điều kiện kinh tế mà có thể có nhiều hơn hoặc ít hơn. Đôi khi người ta chỉ cần 3 nhạc cụ, đàn Nguyệt, phách, trống là có thể hát trong buổi hầu đồng.
Chầu văn Huế với lối hát đơn, hát đôi, hát tập thể, có khi cả ban công văn (8 đến 10 người) cùng đứng hát và nhảy múa hát theo từng tính chất “giá hầu”.
Về môi trường diễn xướng, Hát Chầu văn là loại hát thờ, là lối hát trước bàn thờ Thánh (bao gồm cả lên đồng) gắn bó chặt chẽ với nghi lễ tín ngưỡng tại am, điện thờ Thánh Mẫu. Là loại văn để hầu bóng, gọi là văn ca thỉnh hàm (được thể hiện thành lời ca, hát), thỉnh mời các vị thần thánh giáng trần, hóa vào các con đồng để phán bảo (lên đồng là sự hóa thân vào một vai thần, thánh, hay ma quỷ linh thiêng trong hành lễ, tức là thần, thánh, ma quỷ đã nhập vào người ngồi đồng…).
Đặc điểm của hát Chầu văn là quá trình hành lễ gắn liền với hình thức sinh hoạt lên đồng, hầu bóng mà ở đó, con đồng sẽ hóa thân vào các vị thần linh để phán truyền, dạy bảo, chữa bệnh hay ban phát tài lộc cho những người tham gia buổi lễ. Trong suốt thời gian tiến hành nghi lễ lên đồng, hầu bóng, âm nhạc Chầu văn đóng vai trò quan trọng, có tính cách phù phép, với mục đích thôi miên người ngồi đồng, tạo điều kiện thuận lợi cho con đồng nhập bóng, và giúp việc nhập hồn của các vị thần linh vào con đồng được linh ứng.
Là một hình thức diễn xướng dân gian khá nguyên sơ với tính sân khấu, có thể tách ra trình diễn, chọn một số GIÁ (liên khúc) của hầu bóng về diễn xuất để nhập vai. Cô Đôi Thượng ngàn, cậu Bơ… là những nhân vật trình diễn cho người xem những màn kịch múa, hái hoa, bắt bướm, chèo đò, múa dao, cưỡi ngựa… thật sinh động và hấp dẫn.
Hát Chầu văn Huế được hình thành và phát triển trên cơ sở kế thừa vốn âm nhạc truyền thống của dân tộc để phục vụ cho mục đích tín ngưỡng của các tín đồ thờ Mẫu. Nó mang những giá trị văn hoá tinh thần rất sâu sắc, vừa thể hiện nhu cầu thẩm mỹ vừa thể hiện ước vọng tâm linh của con người trong cuộc sống. Vì vậy, âm nhạc Chầu văn Huế không chỉ là một hình thức sinh hoạt tín ngưỡng – văn hoá cộng đồng mà còn là một loại hình âm nhạc dân gian độc đáo cần được giữ gìn và phát huy trong đời sống hiện đại để làm phong phú thêm món ăn tinh thần cho người dân./.