Hình tượng Ngựa xuất hiện từ rất lâu đời trong văn hoá Việt Nam nói chung và văn hoá xứ Huế nói riêng. Con ngựa là một trong những loài vật được con người thuần hoá và sử dụng trong đời sống hàng ngày. Ngựa là con vật thông minh, khôn ngoan, nhanh nhẹn cho nên nó được chọn là con vật kề vai sát cánh cùng con người xông pha trận mạc.
Trong tâm thức
Con ngựa là một con vật đặc biệt, tham gia vào biểu tượng song nghĩa, đa nghĩa. Từ chỗ là bản thể của vô thức tâm linh, là bản năng của dục vọng sâu thẳm hay cõi mịt mù của bóng tối, ngựa đã vượt lên theo từng nấc thang để thụ pháp và chuyển thể thành con vật biểu tượng của thần linh, ánh sáng của mặt trời và cũng là biểu tượng của nhân cách và trí tuệ.
Tục thờ ngựa của người dân xứ Huế
Có thể nói trên cả nước ta hiếm có địa phương nào thờ con ngựa như ở xứ Huế. Có đến gần 100% dân số ở Huế lập am, miếu để thờ, từ trong nhà ra đến sân, trong số các am miếu phổ biến nhất là miếu thờ các cô, cậu, ông chiêm thành, ông quận, ở đó họ đều có thờ con ngựa – con vật linh thiêng, gồm ngựa đá, ngựa giấy và ngựa gỗ; màu sắc chủ yếu đỏ và trắng tượng trưng cho một vị thần.
Trong dân gian thường quan niệm, âm dương nhất lý (tức lúc sống thế nào, chết cũng như vậy), họ quan niệm khi các vị thánh còn sống dùng ngựa để xuất quân ra trận, dẹp loạn đem lại bình yên cho đất nước nên khi chết có lẽ dưới âm dương hoặc trên trời cao vẫn thế các vị thần dùng ngựa để đi lại, đi chầu, hoặc giảng đạo…
Theo đó, ngựa đỏ dùng cho cho tôn ông ngự giá, chu du, hành đạo (6 tôn ông: gồm ngài đệ nhất, đệ nhị, đệ tam giám sát, đệ tam thủy phủ, đệ ngũ, đệ nhị ngoại), còn ngựa trắng là để thờ các cậu ngoại càng.
Trong tứ phủ đền thần, 2 loại ngựa này được thờ để tôn ông đi chầu. Và khi làm ngựa để thờ, người thợ làm ngựa phải hiểu rõ nguyên lý hoạt động cũng như ngựa dùng ở cõi nào, ví dụ ở “cõi thượng thiên” (cõi trên trời) thì phải làm khác với ngựa thờ ở am miếu “cõi trung thiên” (cõi trần gian). Do tôn ông ngự giá ở cõi thượng thiên nên khi làm ngựa thờ ngựa đó phải có cánh, vì ở cõi trời nên ngựa có cánh dùng để bay, còn ở cõi trung thiên thì làm ngựa như ngựa ra chiến trận bình thường, có yên ngựa, dây cương, đao kiếm để ra trận…
Người dân Huế quan niệm, ở trên trời cao, giữa dân gian và âm phủ các đức thánh cũng dùng ngựa để đi chầu, đi hành đạo nên khi họ đặt am miếu thờ cúng phải thờ ngựa thể hiện lòng thành kính của mình đối với các vị thần thánh của đất nước, những vị thánh đã có công mở mang bờ cõi, giữ vững bình yên cho đất nước. Cho nên, các am, cảnh, miếu ở Huế, người dân thờ ngựa đá là như thế.
Ngày nay, khi dâng cúng ngựa cho các cõi, người ta thường làm con ngựa to nhất bằng màu đỏ để dâng cúng cho tôn ông và những con ngựa nhỏ bằng màu trắng để cúng cho các cậu ngoại càng.
Cứ mỗi dịp xuân đến, Tết về người dân Huế lại tất bật chuẩn bị chu đáo trang hoàng nhà cửa, trong số những vật dụng như chúng ta thường thấy là vàng mã, áo binh, giấy tiền vàng bạc tiền, xe hơi,… thỏi vàng thì không thể thiếu hình ảnh những con ngựa giấy được làm giống y như thật để đốt trong dịp cuối năm, trong đêm giao thừa đầu năm mới.
Hình ảnh Ngựa chiếm một vị trí rất đặc biệt trong am miếu, đền đài, lăng mộ
Chính vì việc trân trọng thờ ngựa như thờ một trong những con vật linh thiêng ở Huế nên ngựa cũng chiếm một vị trí rất đặc biệt trong am miếu, đền đài, lăng mộ… Ví như ở đền thờ Hưng Đạo Đại Vương ở 399 đường Chi Lăng, cặp ngựa đá được làm y như ngựa thật, màu đỏ, được đặt trang trọng trước đền, hai con đối xứng nhau trong tư thế sẵn sàng bất cứ lúc nào ngài xuất quân, còn ngựa trắng được người dân Huế thờ phổ biến nhất ở các am miếu ngoài trời.
Đặc biệt, khi vào tham quan lăng mộ các vua nhà Nguyễn ở Huế, khách du lịch cũng thường bắt gặp hình tượng con ngựa luôn xuất hiện hoành tráng tại nơi chốn linh thiêng này.
Con ngựa có mặt trong 6 khu lăng của các vua nhà Nguyễn, từ lăng Gia Long xây dựng vào đầu thế kỷ thứ 19 tới lăng Khải Định xây vào thập niên 20 của thế kỷ trước, trừ lăng vua Dục Đức. Do tuân thủ những nguyên tắc chung khi kiến tạo sơn lăng cho các bậc đế vương, lăng các vị vua nhà Nguyễn luôn có bi đình và bái đình. Bi đình là nhà bia, nơi dựng tấm bia ca ngợi công đức của chủ khu lăng tẩm, còn bái đình là sân chầu dành cho các vị vua kế nhiệm và đình thần văn võ đến bái lạy trong các dịp húy nhật, lễ kỵ. Đó cũng là nơi ngựa góp mặt. Mỗi bái đình đều có hai tượng viên văn võ và voi ngựa chầu hầu, trong đó ngựa đứng vào bậc ba, sau văn quan, võ quan và trên những ông tượng.
Tuy nhiên, không phải ngựa ở lăng nào cũng có cách thể hiện và chất liệu giống nhau mà tùy theo thời thế. Con ngựa trong các lăng vua: Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Khải Định được tạc bằng đá thanh, ngựa trong lăng vua Tự Đức được làm bằng vôi và vữa ô dước, nhưng ngựa trong lăng Đồng Khánh lại được đúc bằng xi măng. Còn vóc dáng cũng hoàn toàn khác: Nếu con ngựa trong lăng Gia Long có dáng vóc rắn rỏi, kiêu dũng thì ngựa trong lăng Minh Mạng lại to mập, uy nghi và đường bệ, ngựa trong lăng Tự Đức thì thấp lùn, lại được những bàn tay vụng về của lớp thợ nề hậu sinh tu chỉnh trong các lần tu bổ di tích nên đã biến con vật gần gũi này giống… lừa hơn. Trong khi đó, ngựa trong lăng Đồng Khánh cao gầy và có vẻ yểu tướng, phải chăng cho phù hợp với số mệnh của chủ lăng, vốn là một ông vua vắn số yểu mệnh, băng hà khi mới 25 tuổi. Chỉ có ngựa trong lăng Thiệu Trị mới xứng đáng là ngựa của vua, vóc dáng thanh thoát, tràn đầy sinh lực và được chạm trổ tinh tế, hoàn mỹ.
Vì là biểu tượng của thiên tử, nên Ngựa còn xuất hiện trên Cửu đỉnh nơi Thế Tổ Miếu và trong Khải Thành Điện của lăng vua Khải Định.
Là người uyên bác Nho học và rất yêu thích thơ ca, vua Thiệu Trị đã cho minh họa trong những bài thơ ngự chế của mình hình ảnh “con ngựa nhâm nha gặm cỏ, chờ các bậc vương tôn công tử đang mải chuyện với các giai nhân dưới những rặng liễu ven hồ” đầy lãng mạn, để vua treo trong Hòa Khiêm Điện và Long An Điện.
Không chỉ hiện diện ở nơi linh thiêng lăng mộ các vua nhà Nguyễn hay tranh mà cả trên đồ sứ ký kiểu, con ngựa cũng có mặt khá hoành tráng: Những chiếc bát sứ, những chiếc đĩa bàn trong bộ trà ký kiểu triều Tự Đức, hiệu đề: Tự Đức niên chế, Nhật hay Ngoạn ngọc, với các đồ án: liễu mã, mã đáo thành công, bát mã hay ngựa qua cầu.
Còn đằng sau câu dân gian nổi tiếng ở Huế: “Mê gì như mê tổ tôm. Mê ngựa Thượng Tứ, mê nôm Thúy Kiều” lại là điển tích hay khác về ngựa ở cửa Thượng Tứ, sau việc ngựa xuất hiện ở lăng các vua nhà Nguyễn, thì nơi đất thần kinh còn nhiều bí mật hấp dẫn và mê hoặc tiếp tục được “giải mã”…
Văn hóa Huế cũng như những phong tục tín ngưỡng là một trong những điểm nhấn hấp dẫn không thể bỏ qua trong hành trình du lịch của bạn. Một Huế thơ mộng, đáng yêu như vậy là nơi mà tất cả du khách yêu thích sự yên bình muốn đặt chân./.