Aza là tết cổ truyền của dân tộc Pa Cô nói riêng và các dân tộc Tà Ôi, Cơ Tu, Pahy nói chung. Đây là nét văn hóa tốt đẹp, độc đáo. Ngoài thể hiện lòng thành kính đến các vị thần linh, lễ hội Aza còn để khẳng định tình cảm gắn bó thiêng liêng của con cháu trong làng bản.
Lễ hội này diễn ra vào thời điểm cuối năm, khi mà đồng bào dân tộc vùng cao A Lưới kết thúc công việc nương rẫy cũng là lúc tiết trời se lạnh, trên các đỉnh núi, sương trắng bồng bềnh. Lúc này, người Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu, Pahy háo hức chuẩn bị gạo nếp, thức ăn, trang phục để đón Mùa lễ hội Ycha Aza (lễ ăn cơm mới). Lồng ghép với lễ hội này là ngày hội đại đoàn kết dân tộc để thắt chặt tình đoàn kết thôn bản, cùng nhìn lại những gì đã làm được trong năm và cầu mong mùa màng bội thu trong năm mới.
Lễ hội Aza được tổ chức với mục đích cầu mong mùa màng tươi tốt, cầu thần linh phù hộ cho dân làng được sống yên vui, không ốm đau, bệnh tật. Giải quyết những bất hòa các họ tộc với nhau… Ngoài cúng thần nông nghiệp, đồng bào nơi đây còn cúng thần sông, thần núi, trời đất.
Tại lễ hội, ngoài những nghi thức cúng bái do già làng, trưởng họ đảm nhận còn có nhiều tiết mục dân ca, dân nhạc của đồng bào, tạo nên một sắc màu văn hóa vùng cao.
A Lưới là nơi có nhiều dân tộc như, Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu, Pahy,… sinh sống nên lễ hội Aza ở mỗi dân tộc có những nét khác biệt. Nếu như người Tà Ôi, Cơ Tu chỉ tổ chức trong phạm vi họ hàng, gia đình thì dân tộc Pa Cô lại tổ chức với quy mô cấp làng và có hai loại Aza đó là: “Aza koonh” hay còn gọi là “Aza pựt” (quy mô lớn) và “Aza kâr loh ku mo” hay “Aza Kăn” (quy mô nhỏ). Sự khác biệt đó thể hiện tính phong phú, đa bản sắc văn hóa vùng dân tộc thiểu số.
“Aza koonh” không ấn định khoảng cách thời gian tổ chức. Năm nào cả làng được mùa lớn thì lễ hội này sẽ diễn ra vào tháng 1 âm lịch. Còn “Aza Kăn” thì được tổ chức hàng năm, diễn ra vào độ cuối tháng 11 đến tháng 12 âm lịch.
Dù là “Aza koonh” hay “Aza Kăn” cũng thực hiện các bước nghi lễ để hoàn thành lễ hội Aza. Trước khi bước vào nghi lễ chính là Ka coong tro (lễ mời mẹ lúa) phải thực hiện nghi lễ a xa a rah và cha chootq. Mời mẹ lúa là phần chính của phần lễ Aza, được đeo cho các trang sức quý, như cườm, hạt mã não… Trong nghi lễ này có các lễ cúng Aza (các vị giống cây trồng), lễ cúng giàng Xứ (giàng sông, suối, gió, mấy, núi, lửa…), lễ cúng giàng Kumuuiq (những người đã khuất), lễ cúng giàng Pa nuôn (vị thần chở che khi đi buôn bán), lễ cúng giàng Azel, lễ cúng giàng Cợt (vị thần ban tặng con người), lễ Cha ddoooi âr beh (lễ ăn cơm mới), lễ giao mâm cỗ.
Aza – lễ hội khi nhắc tên chắc hẳn nhiều người sẽ ấn tượng. Song, độ 2 thập kỷ trước, người dân đồng bào vùng cao A Lưới vì mải miết mưu sinh, ổn định cuộc sống nên bẵng quên sắc màu văn hóa này. Nhưng ngày nay, sau những nỗ lực của già làng, trưởng bản, thế hệ trẻ đã nhận thức được tầm quan trọng của lễ hội Aza. Dù khá giả hay khó khăn, năm nào các gia đình, làng bản lại rộn ràng với lễ hội Aza trong những ngày cuối năm. Đây không đơn thuần là lễ hội mà còn là dịp để người dân đồng bào phô diễn những nét văn hóa của mình. Ngoài những lời hỏi thăm, chúc tụng, bên ánh lửa bập bùng, họ cùng nhau hát hò, nhảy điệu múa aza, pon, ẹo và cùng đối đáp nhau bằng dân ca câr lơi, târ a, xiềng, cha chấp trong nhịp trống, tiếng chiêng, giai điệu pâr lư ấm áp tình người./.