Lênh đênh sông nước, đầm phá, những người “bám đuôi con cá” trên Phá Tam Giang xứ Huế sống dựa hoàn toàn vào thiên nhiên, nhưng trong đời sống họ vẫn bảo tồn những nét văn hoá dân gian đặc sắc mà Lễ hội Cầu Ngư là một ví dụ điển hình.
Lễ hội Cầu Ngư được diễn ra thường niên vào đầu tháng Giêng, tại sân đình làng Thái Dương thuộc thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang. Lễ hội được tổ chức để dân làng tưởng nhớ vị khai canh Trương Quý Công đã thành lập làng, và dạy nghề đánh cá, nên lễ hội tổ chức đúng vào ngày mất của ông, 12 tháng Giêng âm lịch.
Theo truyền thống cứ 3 năm một lần, thì tổ chức long trọng nhất (Từ ngày 10-12 tháng Giêng năm Đinh Dậu này sẽ đáo lệ, đúng dịp tổ chức Lễ hội Cầu Ngư như truyền thống). Lễ hội diễn ra trong 3 ngày, từ mùng 10 tháng Giêng đến 12 tháng Giêng âm lịch. Cả 3 ngày dân làng tắt bếp, tổ chức ăn cơm chung (theo đơn vị thôn).
Ngày mùng 10 thanh niên tổ chức các trò chơi thi bơi, chèo thuyền thúng, kéo dây, nhảy bao bố, nấu cơm thi… Ban đêm làng mời các đoàn hát bội, ca Huế về biểu diễn phục vụ nhân dân. Ngày 11, từ 5h sáng bắt đầu cúng tế ở đình làng và am miếu.
Rạng sáng ngày 12 tháng Giêng (0h30), địa phương sẽ làm lễ chính cầu an, tưởng niệm các vị tiền nhân tại đình làng. Tất cả các chủ thuyền mặc áo dài đen, quần trắng, đầu chít khăn đỏ chỉnh tề lần lượt vào làm lễ. Trước lúc vào lễ chánh tế, các bô lão trong làng thắp hương cầu khấn đất trời phù hộ cho con em làng chài sức khỏe, ra khơi gặp sóng yên, bể lặng… Các nhà trong làng đều đặt bàn hương án bày đồ lễ cúng. Trên mỗi tàu, thuyền tại lễ hội đều chăng đèn kết hoa.
Sáng sớm ngày 12 âm lịch, lễ chánh tế sẽ bắt đầu vào lúc 4h. Một bài văn tế dâng lên các vị thần linh và tiền bối của làng, cầu mong quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, đánh bắt được mùa, dân làng no ấm, mọi người hạnh phúc. Khoảng 5h sáng lễ chánh tế kết thúc. Sau khi cắt băng khánh thành công trình trùng tu Đình làng vào lúc 6h30, Lễ cầu ngư chính thức bắt đầu vào lúc 7h. Sau phần nghi lễ là phần khai hội diễn trò “cầu ngư” ngay trước sân đình, gồm các tiết mục như đẩy thuyền ra khơi, câu cá, bủa lưới, mua bán thủy, hải sản…
Mở màn, một bô lão đại diện dân làng thắp hương cầu nguyện năm mới “sóng yên biển lặng”, làm ăn thịnh vượng, sau đó đánh 3 hồi trống đại. Vừa dứt tiếng trống, một vị trung niên mặc lễ phục màu đỏ đi kèm có hai thuyền trưởng tàu đánh cá đầu bịt khăn đỏ, mặc trang phục dân chài lưới, làm bộ điệu khôi hài gây náo nhiệt. Trống lệnh lại gióng lên báo hiệu trò chơi bủa lưới. Một vị cao tuổi ném tiền và quà bánh xuống sân đình cho trẻ em nhặt, các em (đều là học sinh) đã được hóa trang thành cá, mực, tôm…
Trong lúc cá, mực, tôm, cua (bọn trẻ) chạy nhảy thì các trai tráng lực lưỡng khiêng một chiếc thuyền bằng tre trang hoàng màu sắc rực rỡ, trên ghe có người tung lưới bắt đám trẻ. Tiếng trống lại vang lên báo hiệu trò chơi “ruỗi bộ” (“ruỗi” – phương ngữ Huế chỉ việc mua bán cá) bắt đầu, các chủ thuyền chọn vài con cá (đứa trẻ xinh xắn) đến trước bàn thờ làm lễ. Số trẻ (đóng vai cá tôm) còn lại được ngồi vào thúng lớn, để hàng chục phụ nữ gánh xuống bến trước đình làng rửa tay chân sạch sẽ, rồi chạy ra chợ bán, họ cũng làm bộ điệu mua bán, lấy tiền như thật. Màn mua bán kéo dài khoảng hơn một giờ.
Tiếp theo là những trò diễn trên cạn cùng hội đua ghe truyền thống và đoàn tàu xuất quân đánh bắt vụ nam, vụ cá đầu năm của ngư dân vùng biển.
Chương trình ngày hội được tiếp tục bằng cuộc đua trải trên phá Tam Giang. Cuộc đua mang ý nghĩa cầu cho no ấm, vừa được mùa cá, vừa được mùa lúa, thoả mãn ước vọng no ấm của cư dân.
Lễ hội Cầu Ngư là ngày hội của cả cộng đồng, tràn đầy lạc quan và hi vọng. Lễ hội là nguồn cổ vũ cho cư dân có thêm sức mạnh để vượt qua mọi khó khăn trong nghề sông nước. Có từ hàng trăm năm trước, lễ hội Cầu Ngư được các nhà nghiên cứu văn hóa đánh giá là một trong những lễ hội quy mô, độc đáo và hấp dẫn của xứ Huế./.