Nếu đã trót phải lòng những nét đẹp kiến trúc Cố đô Huế, thì Lễ Thượng Tiêu (23/12 âm lịch hàng năm) sẽ là một lễ hội hoàn hảo dành cho bạn khi đặt chân đến với mảnh đất này. Lễ Thượng Tiêu (hay Lễ Dựng Nêu) bắt nguồn từ thời Nguyễn. Lễ mang đậm màu sắc cổ truyền của người dân Việt Nam.
Tục lễ dựng Nêu ngày Tết là một trong những phong tục văn hóa không chỉ của riêng Việt Nam mà của rất nhiều nước Á Đông. Tuy nhiên, đối với người Việt Nam, sự ảnh hưởng này đã trở thành một nét văn hóa tốt đẹp ngàn đời. Đây là hoạt động nhằm tái hiện nghi lễ xưa của dân tộc Việt Nam nói chung, triều đình nhà Nguyễn nói riêng, tạo không khí vui tươi vào dịp mở đầu Tết Nguyên Đán.
Từ cửa Hiển Nhơn, nghi thức rước nêu (cây tre già dài 15m) được tổ chức trang trọng. 10 lính vệ vác nêu cùng đội nghi thức và ban lễ nhạc cung đình trong trang phục chỉnh tề. Đội rước nêu khởi hành trong âm thanh của tiểu nhạc tiến vào Hoàng Cung, đến Triệu Tổ Miếu (nơi thờ các vị vua triều Nguyễn), cửa chính của khu vực Thế Miếu và tiến hành nghi thức dựng nêu.
Nét đặc biệt của lễ dựng nêu tại Hoàng Cung Huế là luôn gắn liền với đại nhạc, tiểu nhạc và các nghi lễ rất trang trọng như như nghinh thần, khánh hạ. Sau phần lễ, 10 lính vác nêu đã tiến hành dựng nêu lên. Khi cây nêu được dựng lên, đầu ngọn nêu được treo ấn, tín, văn phòng tư bảo, biểu trưng của việc phong ấn để triều đình nghỉ ngơi trong những ngày Tết.
Khách du lịch trong nước và người nước ngoài đến Cố đô Huế trong dịp này hết sức thích thú và ấn tượng với lễ dựng cây nêu, một nét đẹp văn hóa trong cung triều Nguyễn.
Dưới thời Nguyễn, tục dựng nêu được tổ chức bài bản, đúng vào ngày đưa ông Táo như đánh dấu mốc cho việc tạm ngừng các công việc trong năm để đón tết. Về tâm linh, dân gian tin rằng cây nêu có tác dụng xua đuổi, trừ yểm ma quỷ, những điều xấu của năm cũ, chuẩn bị cho một năm mới an lành. Lễ hạ nêu sẽ được tiến hành vào mùng 7 tết.
Lễ Thượng Tiêu đã góp phần tạo nên bản sắc văn hóa độc đáo cho xứ Huế. Cố đô Huế “hội tụ” nhiều văn hóa lễ hội đặc sắc đang chờ du khách khám phá./.