Cố Đô Huế không chỉ nổi tiếng với những danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử độc đáo mà còn là nơi hội tụ những tinh hoa nghệ thuật của nước ta, trong đó có thể kể đến nghệ thuật biểu diễn Nhã nhạc Cung Đình Huế. Đây không chỉ là nét đẹp văn hóa hội tụ tinh hoa của âm nhạc Việt Nam mà còn xứng danh là một trong những “di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại”.
Nhã nhạc cung đình là hình thức nhạc chính thống dùng thường dùng ở các cuộc lễ tế Giao, tế Miếu và trong các dịp triều hội. Đây là một thuật ngữ được dùng để chỉ sản phẩm kết hợp giữa Lễ và Nhạc. Thông thường thì Nhã nhạc cung đình sẽ được hiểu theo nghĩa là tất cả các thể loại ca nhạc, múa và kịch hát, được dùng trong các lễ nghi cúng tế và triều chính cũng như các ngày quốc lễ do triều đình tổ chức và hơn thế nữa là sinh hoạt vui chơi giải trí của vua và hoàng tộc.
Từ xưa, Nhã nhạc đã có tiến trình hình thành và phát triển khá rõ ràng. Lịch sử hình thành cũng như từng giai đoạn phát triển của loại hình nghệ thuật này đã được ghi lại theo từng giai đoạn. Nhã nhạc ra đời vào triều Lý (1010-1225) và hoạt động một cách quy củ vào thời Lê (1427-1788), là loại hình nhạc mang tính chính thống, với quy mô tổ chức chặt chẽ. Các tổ chức âm nhạc được thành lập, đặt dưới sự cai quản của các nhạc quan.
Đến thời triều Nguyễn (1802-1945), Nhã nhạc đã đạt đến đỉnh cao. Nhã nhạc vương triều Nguyễn đã kế thừa những nét hay, đẹp, đặc sắc từ những triều đại trước, nhất là thời các chúa Nguyễn cai quản và phát triển Đàng Trong (1558-1777) với sự đóng góp xuất sắc của vị kiệt tướng đa tài, chính trị gia, chiến lược gia, kỹ thuật gia, nghệ sư, thi sĩ, học giả Đào Duy Từ (1572-1634). Theo lời mời của Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu, hòa thượng Thích Đại Sán/Thạch Liêm/ hạch Đầu Đà dẫn đầu phái đoàn cả trăm người từ Trung Hoa thăm Đàng Trong giai đoạn 1695-1696. Những gì mắt thấy tai nghe lúc ấy, thiền sư Thạch Liêm ghi chép thành 6 quyển “海外紀事 / Hải ngoại kỷ sự”. Trong sách này, Thạch Liêm đánh giá cao về ca múa nhạc và hát bội khi được mời xem trong phủ chúa ở Phú Xuân, nhất là vũ khúc Thái liên/Hái sen.
Vào thời kỳ từ nửa đầu thế kỷ XIX, khi mới lập nghiệp ở phương Nam, triều đình của vua Gia Long đã sớm biết sử dụng nghệ thuật âm nhạc để “di dưỡng tinh thần”. Từ đây tên gọi Nhã nhạc gắn liền với cung đình Huế và thực sự phát triển theo mô thức, quy phạm đúng chuẩn của nhà nước quân chủ. Giai đoạn này cũng là bước chuẩn bị quan trọng tạo tiền đề phát triển cho âm nhạc cung đình các đời vua sau. Cũng chính từ đây, loại hình này trở nên có hệ thống, bài bản phong phú, thậm chí có hàng trăm nhạc chương với lời ca bằng chữ Hán. Và cũng vào thời điểm ấy, Nhã nhạc cung đình Huế được triều đình và cả dân chúng tôn vinh là loại hình âm nhạc chính thống, hay nói cách khác là quốc nhạc. Trong những ngày lễ trọng đại, mang ý nghĩa to lớn như: Tế Nam Giao, Tế Xã Tắc, lễ mừng đăng quang, lễ mừng thọ vua, nghi thức tiếp đón các sứ thần,… triều đình mới cho biểu diễn Nhã nhạc ở Kinh Thành Huế. Nhã Nhạc cung đình Huế sẽ tổ chức 2 lần/tháng và trong thường triều là 4 lần/tháng.
Phát triển mạnh vào thời nhà Nguyễn là vậy nhưng Nhã nhạc cung đình Huế cũng đã từng bị đe dọa nghiêm trọng sau khi xuất hiện những loại nhạc cụ và nền âm nhạc mới từ phương Tây cũng như biến cố sau này khi triều đại phong kiến cuối cùng của nước ta sụp đổ. Tuy nhiên Nhã nhạc vẫn thể hiện sức sống bền bỉ qua thăng trầm của lịch sử và được gìn giữ vẹn nguyên. Cho đến nay, loại hình nghệ thuật bác học này đã được UNESCO công nhận là kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại, để gìn giữ và bảo tồn cũng như giới thiệu cho thế giới một nét đẹp nghệ thuật đặc sắc mà chỉ một số ít quốc gia còn bảo tồn được và giữ gìn đến ngày nay. Sự vinh danh này đã góp công làm nên một Huế thu hút và sâu lắng, bên cạnh một Cố đô cổ kính và thơ mộng bên dòng sông Hương.
Nhã nhạc cung đình Huế mang một giá trị nghệ thuật khi được kết hợp bởi các thành phần:
Cấu trúc nhạc chương
Các nhạc chương của Nhã nhạc đều do Bộ Lễ biên soạn. Theo đó, tùy theo các buổi lễ khác nhau mà nhạc chương cũng khác nhau như: Tế Giao có nhiều nhạc chương, cụ thể là 10 và mang chữ Thành thể hiện sự thành công; Tế Xã tắc có 7 nhạc chương mang chữ Phong cầu mong được mùa; Tế Miếu có 9 nhạc chương mang chữ Hòa để được hòa hợp; Tế Lịch Đại Đế vương có 6 nhạc chương mang chữ Văn thể hiện trí tuệ; Lễ Đại triều dùng 5 bài mang chữ Bình tỏ ý hòa bình; Lễ Vạn thọ dùng 7 bài mang chữ Thọ với ý nghĩa trường tồn; Lễ Đại yến dùng 5 bài mang chữ Phúc thể hiện phúc lành,…
Vào giai đoạn đầu của triều vua Gia Long, triều đình kế thừa hình thức và cấu trúc Nhã nhạc trước đó bao gồm: Giao nhạc, Miếu nhạc, Ngũ tự nhạc, Đài triều nhạc. Đồng thời Bộ Lễ cũng bổ sung thêm vào nhiều loại thể nhạc khác như Huyền Nhạc, Ty Trúc Tế Nhạc, Ty Chung, Ty Khánh và Ty Cổ sao cho phù hợp với từng cuộc lễ của triều đình mới. Sử sách triều Nguyễn ghi lại chi tiết về 12 cuộc lễ trong đó mỗi cuộc lễ đều có ghi đầy đủ các bài ca chương với 126 bài ghi đầy đủ lời ca nguyên gốc cùng bản dịch.
Tổ chức nhạc khí
Theo quy định thời kỳ này bao gồm 6 loại ban nhạc: Nhã nhạc, Nhạc huyền (bộ nhạc treo), Đại nhạc (Cổ xuý đại nhạc), Tiểu nhạc (ti trúc tế nhạc), Ty chung và Ty khánh (dàn nhạc chuông và khánh đá), Quân nhạc. Mỗi ban nhạc đều có quy định các nhạc khí cụ thể. Theo đó, sẽ có không dưới 30 chủng loại với số lượng hàng trăm nhạc khí khác nhau như trống bản, cái phách, cái sáo, đàn huyền tử, đàn nhị, đàn tì bà, chùm thanh la bằng đồng 3 chiếc…
Không chỉ Nhã nhạc mà múa Cung đình vào thời Nguyễn rất phong phú, đa dạng bao gồm các điệu long, ly, quy, phượng, múa đèn hoặc múa quạt.
Các bộ phận như ban nhạc, nhạc khí, bài nhạc, ca chương… đều được thực hiện bởi những nhạc công, ca công, vũ công tài ba nhất trên khắp mọi miền đất nước hội tụ về. Nhất là trong các ngày đại lễ, lúc này âm nhạc trở thành tiếng nói huyền diệu để vua giao cảm với trời đất, toàn dân hướng về thần linh, tổ tiên. Đó cũng chính là cách kế thừa và tiếp nối những giá trị vô giá của dân tộc qua năm tháng.
Giờ đây, Nhã nhạc cung Đình Huế không chỉ là vốn quý của dân tộc Việt Nam mà còn là tài sản vô giá của loài người. Với những giá trị nổi bật, Nhã nhạc cung đình Huế chắc chắn sẽ tiếp tục được giữ gìn và bảo tồn một cách hiệu quả, góp phần cùng với các loại hình di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam khẳng định vị thế của một dân tộc, một quốc gia giàu truyền thống văn hóa trong khu vực và thế giới.
Nếu có dịp ghé thăm vùng đất của “sông Hương núi Ngự”, bạn đừng quên thưởng thức ít nhất một lần chương trình Nhã Nhạc cung đình Huế nhé! Đấy cũng là một cách “ôn cố tri tân” và tìm hiểu loại hình âm nhạc đậm đà bản sắc dân tộc./.