Người ta bảo rằng, xứ Huế là cả một kho tàng nghi lễ. Nơi đây tập trung rất nhiều nghi lễ đặc sắc, độc đáo thể hiện nếp sống văn hóa bao đời của người dân xứ mộng mơ. Và trong những nghi lễ đó, thì lễ Tịch Điền chính là một nghi lễ quan trọng.
Nước Việt, trong suốt chiều dài lịch sử, nông nghiệp được xem là vấn đề kinh tế ảnh hưởng lớn lao đến sự thịnh vượng hay suy vong của các triều đại. Bởi vậy, triều đại nào, vị vua nào cũng không ngừng thể hiện sự quan tâm đến nền kinh tế cày bừa này.
Để khuyến khích nông nghiệp, mỗi một triều đại đều có những biện pháp giống hoặc khác nhau tùy mức độ tiếp cận cũng như hoàn cảnh thực tế để tạo điều kiện cho diện tích, năng suất canh tác không ngừng nâng cao. Nào là luật lệ bảo vệ sức kéo, trị tội trộm cắp, xẻ thịt trâu bò, nào là đặt chức quan Hà đê sứ, nào miễn giảm thuế mỗi khi mất mùa, nào chính sách hạn điền, hạn nô,… Ngoài những biện pháp thực tế tác động trực tiếp vào hoạt động sản xuất nông nghiệp, Nhà nước cũng có những biện pháp mang tính khuyến khích về mặt tinh thần, tâm linh mang tính lễ nghi như: thờ Thần Nông, tế Nam Giao, và quan trọng là cày tịch điền…
Lễ Tịch Điền đã thể hiện tinh thần trọng nông của các bậc vương tử từ cổ chí kim. Lễ tịch Điền do đích thân nhà vua khai mạc. Theo sử sách, từ thời Đại Việt, vào đầu mùa xuân năm 987, vua Đại Hành đã thích thân thực hiện lễ cấy tịch điền nhằm động viên, khuyến khích nhân dân sản xuất. Đây cũng là lễ hội đầu tiên của nước Đại Việt và tập tục này được lưu giữ đến đời nhà Trần, nhà Nguyễn.
Theo sách Đại Nam nhất thống chí, năm 1828, vua Minh Mạng đã cho xây dựng đàn Tiên Nông ở giữa phường Hậu Sinh và An Trạch, nay là phường Tây Lộc ở phía Tây Bắc trong kinh thành Huế. Đàn hình vuông, một tầng, quay về hướng Nam, nền cao lát gạch, có làm sẵn các lỗ để cắm tàn lọng và cờ, xung quanh xây lan can bằng gạch, bốn mặt xây 9 bậc cấp đi lên xuống. Trên đàn có một ngôi nhà nhỏ để vua ngồi xem cày ruộng. Ngay phía trước đàn là khoảng ruộng để vua đích thân cày trong lễ Tịch điền.
Lễ Tịch Điền thường được bắt đầu vào tháng 5 âm lịch, gọi là tháng trọng xuân và cũng là tháng mà người dân ăn tết Nguyên Tiêu. Ngày và giờ cử hành lễ được cả Bộ lễ của triều đình xem xét cẩn thận và trình lên nhà vua từ cuối tháng 4. Lễ hội sẽ được chuẩn bị trước 5 ngày. Trong những ngày này, Bộ Lễ sẽ tâu lên vua tế đàn Tiên Nông. Vào đầu giờ Tý, ty bộ Lễ sẽ đến bày trí bài vị và lễ vật gồm trâu, dê, lợn, xôi và 5 mâm quả. Đầu giờ canh 5 ngày lễ Tịch điền, quan Phủ doãn Thừa Thiên mặc lễ triều phục đến đàn Tiên Nông thực hiện lễ tế, sau đó đến lễ Tịch điền của nhà vua.
Trước lễ Tịch Điền, Bộ Lễ dâng lên vua danh sách hoàng thân hoặc hoàng tử tước công và các quan văn võ cấp lớn để vua chọn ra 12 người (3 hoàng tộc, 9 quan lớn) cùng hành lễ với vua. Và quan phủ Thừa Thiên phái thuộc hạ đến Võ Khố nhận roi, cày, cùng thóc, thúng và các vật dụng khác. Sau đó cung nghinh tới án vàng trước thềm điện Cần Chánh, báo cáo cho bộ Hộ rõ để trình vua và “rước vua thân hành duyệt đồ cày”. Đến đúng ngày lễ, bộ Lễ cùng với phủ Nội Vụ, Võ Khố sắp xếp bàn thờ rồi rước vua làm lễ. Đúng canh 5, sau ba hồi trống giả vang động một góc trời, trâu vàng, trâu đen, kỳ lão nông phu đồng trang phục cùng cày, bừa phải có mặt tại vị trí đã định. Dàn ca sinh cũng bắt đầu cất lên bài ca về lúa. Hai bên bờ sở ruộng Tịch Điền còn có người cầm cờ ngũ sắc. Sau khi mọi thứ đã sẵn sàng, nhà vua đội mũ cửu long, áo bào vàng, mang đai ngọc được long trọng đưa kiệu đến làm lễ trang nghiêm. Đến đàn Tiên Nông, vua lên rửa tay rồi làm lễ tế 3 tuần rượu với đầy đủ nghi thức theo sự xướng tán của Bộ Lễ.
Sau khi làm lễ xong, nhà vua sang thay áo quần chuẩn bị cày ruộng Tịch điền. Vua đội khăn đường cân, mặc áo long bào chẽn tay. Các quan dâng cày, dâng roi cày cho nhà vua. Nhà vua tay phải cầm cày, tay trái cầm roi bắt đầu cày ruộng. Phụ giúp có 2 kỳ lão nông phụ dắt trâu và 2 người đỡ cày. Nhà vua cày ruộng đến đâu, hoàng tử và quan Thượng thư Bộ Hộ theo sau mang thúng thóc vừa đi vừa rắc hạt giống. Xung quanh, hơn 30 người phất cờ ngũ sắc hòa theo tiếng nhạc trầm vang. Vua cày xong ba luống thì trao cày và roi cho quan Phủ doãn Thừa Thiên và Thượng thư Bộ Hộ. Sau đó, nhà vua ngự đến nhà Quan Canh để chứng kiến các quan, hoàng thân cày tiếp. Các hoàng tử, thân công cày 5 lượt, quan viên văn võ cày 9 lượt. Sau khi hoàn thành các nghi lễ cũng như nghi thức cày tịch Điền, nhà vua thay đổi phẩm phục đại triều, lên xe hoặc ngựa trở về cung. Khi vua vào cung, 5 phát súng lệnh lại nổ vang, báo hiệu vua đã về. Tất cả những người tham dự lễ Tịch điền đều được ban thưởng. Khi ruộng lúa chín, phủ doãn Thừa Thiên trông coi việc gặt hái cùng với một quan thuộc Bộ Hộ lựa chọn hạt giống để gieo vào Lễ Tịch Điền năm sau. Sản phẩm thu hoạch được mang về cất kho để nấu dùng trong tế Nam Giao, Xã Tắc và các miếu thờ.
Có thể thấy, Lễ Tịch Điền là chính sách khuyến nông độc đáo và có ý nghĩa quan trọng trong đời sống của triều đình và nhân dân lúc bấy giờ. Không chỉ là nghi thức tượng trưng, qua đây, nhà vua càng cảm thông và đưa ra những biện pháp cụ thể để chia sẻ nhiều hơn với nỗi vất vả gian lao của người làm nông lúc bấy giờ.
Đất nước Việt Nam vốn là một đất nước thuần nông nên lễ Tịch Điền trở thành một nét văn hóa đặc trưng, không chỉ ở Huế mà còn nhiều miền khác. Nếu bạn yêu mến lễ hội Huế, thăm Huế vào tháng 5 âm lịch có thể sẽ có cơ hội được tham dự hay chứng kiến Lễ tịch điền, song nếu bạn thăm Huế ở thời điểm này, không phải dịp Lễ Tịch Điền nhưng vẫn có thể được nghe chuyện về ngày lễ hội tiêu biểu này, khi khám phá tìm hiểu về lễ hội địa phương./.