Vùng biển Lăng Cô vốn nổi tiếng với nhiều hải sản tươi sống như tôm, cua, sò lông, sò huyết, vẹm, hàu,… Trong số đó, sò là loại rất được ưa chuộng và thường được đem làm mắm, gọi là Mắm sò. Có thể nói đây là một trong những đặc sản trứ danh của mảnh đất Cố đô Huế.
Mắm sò được chế biến từ con sò lông, hay người địa phương vẫn thường gọi là “con sặc”. Sò lông thường bị nhầm lẫn với sò huyết vì hình dáng khá giống nhau. Tuy nhiên, nếu quan sát kỹ, bạn sẽ thấy sò lông lớn hơn sò huyết. Sò lông có hai mảnh vỏ hình bầu dục, da có vỏ màu nâu phát triển thành lông.
Loại hải sản này hầu như có mặt quanh năm, chỉ trừ những thời điểm mưa gió vào tháng 9 – 10 khi mà nước dâng cao không thể đi bắt được, còn lại người dân đi cào quanh năm. Đến mùa cào sò, chỉ cần một cái bàn cào nhỏ, thêm một cái lồng là có thể ra biển để cào. Công đoạn cào sò cũng không hề đơn giản, cần phải thực sự kiên nhẫn ngâm mình hàng giờ dưới nước mới có được sò để làm mắm.
Không giống với mắm cá, mắm tôm, mắm sò lại có hương vị rất đặc biệt, bởi nó được người dân Huế chế biến với bí quyết riêng của mình. Sò sau khi được cậy vỏ lấy thịt, đem rửa thật kỹ cho sạch các bên trong. Để sò không bị nở to, khiến cho mắm sò bị hỏng thì sò được rửa rất nhanh rồi vớt lên. Sau đó, để ra rổ cho ráo nước chừng 1 tiếng. Sau khi đã ráo nước thì cho vào thau nhựa, cho muối sống đã được giã mịn rồi, cứ tỉ lệ 10 chén sò thì cho 2 chén muối. Để mắm sò ngon thì phải cân đo đong đếm làm sao để mắm đừng quá mặn, cũng đừng quá nhạt. Cuối cùng, trộn thật đều tay thau sò cùng với ớt, riềng rồi cho vào hũ thủy tinh hoặc thau nhựa đậy kín nắp. Bảo quản mắm sò trong vòng 8-10 ngày là có thể lấy ra thưởng thức. Đặc biệt, mắm sò để càng lâu thì ăn càng ngon, mà hầu như loại mắm nào cũng vậy chứ không riêng gì mắm sò.
Mắm sò múc ra có màu đỏ au, trông rất bắt mắt. Đặc biệt, mắm đặc sệt, còn nguyên ruột sò. Khi ăn, người ta cho thêm các gia vị như đường, bột ngọt, tỏi, ớt băm nhỏ hoặc cho thêm ít đu đủ bào.
Để cảm nhận vị ngon đúng chuẩn của mắm sò thì phải ăn kèm với đúng nguyên liệu thì mới tăng độ hấp dẫn được. Mắm sò muối lên rất thơm, ăn với cơm nóng là ngon nhất. Ngoài ăn với cơm nóng, người ta còn dùng mắm sò như một loại nước chấm giống như mắm tôm, mắm ruốc, xì dầu chẳng hạn. Mắm sò ăn với cơm nóng đã ngon, ăn cùng rau sống, khế chua, chuối chát, dưa giá kẹp thịt ba chỉ lại càng ngon hơn. Khi kết hợp tất cả các nguyên liệu này lại với nhau, bạn sẽ cảm nhận được vị mặn của mắm, vị chua của khế và vị béo của thịt ba chỉ hòa quyện. Thật là khó cưỡng lại được!
Mắm sò dù không quá đặc sắc nhưng lại là món ăn đọng vào lòng người. Cái hương vị của mắm sò đọng lại trong khoang miệng, vị mặn mặn của mắm, vị dai ngon của sò, vị chua chua ngot ngọt tạo ra vị hài hòa đánh thức vị giác ngay từ lần đầu tiên.
Cùng với món tôm chua, mắm ruốc, mắm sò là đặc sản của đất Cố đô. Khi bạn đặt chân đến Huế thế nào cũng được mời thưởng thức. Chắc chắn đây là món ăn lạ miệng, ngon và bổ, ăn mãi không nhàm, dùng trong bữa ăn hằng ngày hay trong các đám tiệc, hoặc dùng làm quà biếu đều có giá trị./.