Bún nghệ là một món ăn dân dã gắn liền với tuổi thơ của nhiều thế hệ ở xứ Huế. Và nó không đơn thuần chỉ là một món ăn, mà còn là sự pha trộn nghệ thuật của người dân xứ Huế.
Một tô bún nghệ ngon phải có sự kết hợp độc đáo của vị dai béo của lòng, vị nồng thơm của nghệ tươi, một chút cay của ớt thêm những cọng bún mềm mại ngập trong cả tổng thể rực rỡ sắc vàng. Muốn đạt được điều này, người làm phải hết sức kỳ công từ khâu chọn nguyên liệu đến khâu chế biến, và cuối cùng là ước lượng các thành phần để tạo nên một tô bún nghệ ngon nhất.
Không những ngon miệng, đẹp mắt món Bún nghệ này còn tốt cho sức khỏe và giá cả lại bình dân nên dường như nó đã trở thành món ăn dành cho những buổi xế đói lòng của người Huế.
Bún nghệ đôi khi còn được gọi bằng cái tên khác là “bún lòng heo xào nghệ”. Chỉ nghe qua cái tên gọi ấy thôi thì chắc chắn bạn cũng đã đoán được phần nào thành phần nguyên liệu dùng để chế biến ra món này rồi có phải không? Nguyên liệu tương đối đa dạng và phong phú: bún, nghệ tươi, lòng heo, huyết heo, nước mắm, rau răm, ớt quả… Trong đó, nghệ là thành phần chủ đạo và phải là nghệ thật tươi, hơi già, có màu vàng đậm và chế biến làm sao cho có độ mịn vừa phải là hết sức quan trọng. Nghệ tươi được gọt vỏ, rửa sạch rồi cho vào cối giã đều sao cho quá to hoặc quá nhỏ, phải đảm bảo hương vị ban đầu và màu sắc vốn có.
Tiếp đến là khâu sơ chế lòng heo. Đây cũng là công đoạn quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến mùi vị tô bún. Lòng heo nên chọn những đoạn còn trắng, hơi hồng tươi, thành dày. Nếu lòng có dịch vàng thì rất dễ đắng, còn nếu thành mỏng thì lại dễ bị dai. Lòng được rửa thật kỹ và làm sạch với muối, sau đó cắt miếng vừa miệng. Phi hành thật thơm, cho lòng vào xào, điều chỉnh độ lửa vừa phải và xào với khoảng thời gian tùy vào số lượng lòng nhiều hay ít. Nêm nếm nước mắm, muối, đường… cho vừa miệng, cho hành lá và một ít bột nghệ vào đảo thật đều, để nồi trên bếp với ngọn lửa thật nhỏ. Tới khi lòng vừa chín, cho bún vào đảo thật nhanh tay thêm khoảng 3 phút. Có thể thêm cả tiết heo đã trần chín, xắt miếng vào xào cùng.
Sau khi hoàn tất, bún nghệ được múc vào tô, cho thêm nước mắm hoặc muối tiêu, rau răm, ớt tươi tùy sở thích của người ăn, thế là đã có ngay một tô bún nghệ khá hấp dẫn và lạ mắt cho bạn thưởng thức. Một tô bún nghệ sẽ gây hấp dẫn ngay từ cái nhìn đầu tiên với bạn bằng một màu vàng tươi bắt mắt.
Gắp một đũa đầu tiên, có thể bạn sẽ thấy hơi lạ lẫm với vị hăng hăng, ngai ngái khó ăn của nghệ tươi. Miếng tiếp theo sẽ giúp bạn đến cảm nhận rõ ràng về món ăn này hơn hơn, nhất là sự mềm mại, không nhão, không khô, rất vừa ăn của những sợi bún xào đã được nghệ ươm vàng.
Khi thưởng thức bạn sẽ phải gật gù khen ngon khi kẹp một cọng rau răm ăn kèm miếng lòng heo béo ngậy, vẫn còn vương vấn mùi thơm của hành tỏi phi. và đặc biệt là cảm giác the the nơi đầu lưỡi của nghệ… Tất cả cộng hưởng vào nhau góp phần tạo nên sự đa dạng cho ẩm thực xứ Huế./.