Cố đô Huế vốn là vùng dân ca nổi tiếng với những điệu hò mái nhì, mái đẩy, khoan thai, dàn trải, ngọt ngào như tâm hồn người xứ Huế. Ca Huế nằm giữa hai dòng nhạc đó có những đặc trưng riêng với chất trữ tình sâu lắng làm xao động lòng người, chất chứa đủ bao niềm hỷ, nộ, ái, ố như cuộc đời người dân xứ Cố Đô.
Từng là kinh đô của cả nước trong hơn 100 năm, Huế là nơi có điều kiện kế thừa, và tích tụ tinh hoa văn hóa nghệ thuật, âm nhạc của cả dân tộc, cũng là nơi đã đưa nền văn hóa nghệ thuật cũng như âm nhạc dân tộc lên một đỉnh cao mới. Chính vì vậy, Huế hội tụ đủ cả hai dòng âm nhạc cung đình (bác học) và âm nhạc dân gian, điều kiện thuận lợi đó đã góp phần thúc đẩy sự hình thành và phát triển loại hình văn hóa nghệ thuật đặc trưng của vùng đất nơi đây: Ca Huế.
Ca Huế bắt đầu từ hát cửa quyền trong cung vua, phủ chúa (khác với lối hát Ả Đào, phát sinh từ dân gian, từ hát cửa đình, rồi vào chốn cung đình), từ “cung trung chi nhạc – một loại nhạc thính phòng trong cung thất của vua và mẹ vua Nguyễn” (Trần Văn Khê – Lối ca Huế và lối nhạc tài tử). Đó là thời kỳ có những bước chuyển mình từ lối hát cung đình, dần dần được dân gian hóa trở lại để thành ca nhạc Huế… và tác động trở lại đối với âm nhạc cung đình.
Ca Huế được phát sinh vào khoảng thế kỷ thứ XVII, trở thành thú chơi tao nhã của các hoàng thân quốc thích, gia đình danh gia vọng tộc trong suốt thời gian dài khi Huế là thủ phủ xứ Đàng Trong, sau đó là kinh đô của cả nước dưới triều Nguyễn, đạt đến đỉnh cao từ thời Minh Mạng (1820-1840) đến thời Tự Đức (1848-1883).
Ca Huế phát sinh từ trong cung đình, sau đó mới lan tỏa ra dân gian, hòa quyện với dòng âm nhạc dân gian Huế đang khởi sắc, tạo nên bản sắc mang tính địa phương rõ nét.
Ca Huế có một hệ thống bài bản vô cùng đa dạng và phong phú bao gồm khoảng 60 tác phẩm thanh nhạc, khí nhạc theo hai điệu thức lớn là điệu Bắc và điệu Nam. Điệu Bắc là những lời ca mang âm điệu vui tươi, trang trọng; còn điệu Nam lại là mang những âm điệu chứa cảm xúc buồn, ai oán, nỉ non.
Cùng với ca trù miền Bắc, đờn ca tài tử Nam Bộ, ca Huế là một trong ba thể loại nhạc thính phòng đạt trình độ phát triển bậc nhất trong kho tàng âm nhạc truyền thống Việt Nam, đứng thứ hai về bề dày lịch sử, và là thể loại duy nhất ra đời trong chốn cung đình.
Khi nhắc đến dân ca Huế, người ta sẽ nhắc đến những điệu hò mái nhì, mái đẩy, khoan thai, dàn trải, ngọt ngào như tâm hồn người xứ Huế hay những điệu lý bay bổng, mượt mà như lý con sáo, lý hoài xuân, lý tình tang.
Bên cạnh dòng âm nhạc dân gian, Huế còn nổi tiếng với dòng ca nhạc cung đình đầy tính trang trọng của Huế như giao nhạc, miếu nhạc, ngũ tự nhạc, đại triều nhạc, thường triều nhạc, yến nhạc.
Ca Huế có giá trị cao về nghệ thuật ,về giáo dục như tư tưởng thẩm mỹ, tình cảm cũng như nhân cách của con người. Là một loại âm nhạc mang tính bác học, Ca Huế từng đóng vai trò quốc nhạc và được sử dụng rộng rãi ở các tỉnh phía Bắc cũng như phía Nam.
Trước đây, nghe ca Huế ở sông Hương là thú vui tao nhã của hoàng thân và quan chức trong cung đình Huế. Ngày nay, loại hình nghệ thuật này đã được “bình dân hóa” để mọi du khách đến đây đều được thưởng thức ca Huế trên sông Hương và yêu Huế hơn. Những điệu hò mênh mang, những câu hát Nam ai, Nam bình sâu lắng cùng giọng điệu Huế ngọt ngào và dễ thương làm say đắm lòng người, cho du khách cảm giác xao xuyến, buồn, vui đến lạ kỳ!
Được một lần tựa mạn thuyền rồng để nghe những làn điệu ca Huế ngọt ngào sâu thẳm cất lên trên bồng bềnh sông nước Hương giang, lữ khách dường như thẩm thấu trọn vẹn cái hồn, cái tình của Huế ẩn sâu trong thú chơi nghệ thuật tinh tế đặc sắc này. Chẳng thế mà gần 70 năm trước chàng thi sĩ trẻ tài hoa Văn Cao, đã như lạc vào chốn “Thiên Thai” chỉ vì một lần tựa mạn thuyền rồng trên sông Hương: “… Em cạn lời cho anh dứt nhạc; Biệt ly đôi phách ngó đàn tranh; Một đêm đàn lạnh trên sông Huế; Ôi nhớ nhung hoài vạt áo xanh…”.
Khi thành phố bắt đầu lên đèn, cầu Trường Tiền lấp lánh trong đêm với đủ các màu sắc thì những chiếc thuyền rồng lần lượt rời bến, chầm chậm ngược dòng sông Hương, đêm ca Huế bắt đầu. Thuyền rồng hững hờ trôi trong màn sương, khán giả trên thuyền, kẻ háo hức ngắm thành phố Huế thơ mộng từ sông Hương, người thì chăm chú xem các nghệ sĩ chuẩn bị biểu diễn.
Mở đầu cho một đêm ca Huế trên sông Hương hàng đêm là 4 nhạc khúc Lưu Thủy, Kim Tiền, Xuân Phong, Long Hổ. Rồi tiếp đến là những điệu hò Huế đối đáp và tân nhạc Huế đặc sắc. Những âm điệu trầm bổng, du dương của giọng hát hòa quyện với tiếng réo rắt của dàn nhạc đủ cả đàn bầu, đàn tranh, đàn nguyệt, sáo, xênh, phách… sẽ ru tâm hồn du khách vào một miền ký ức sâu thẳm nhuộm tím lòng người, không sao quên được.
Ca Huế với âm sắc ngọt ngào của giọng nói xứ Huế, hòa trong không gian tĩnh mịch của đêm tối, dưới sắc nước lung linh ánh đèn sẽ làm cho bất cứ ai cũng có được một cảm giác lắng đọng tuyệt vời. Một lần được trải nghiệm là một lần nhớ mãi, là hơn một lần muốn quay trở lại… Chính vì thế, ca Huế được người dân Cố đô trân trọng giữ gìn và phát triển qua hàng trăm năm nay trước bao nhiêu biến cố thăng trầm của lịch sử như một tài sản văn hóa vô giá của mảnh đất “thần kinh” này./.